Thời gian gần đây, phân khúc nhà ở cao cấp được dự báo là cung vượt cầu và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, quan điểm của ông như thế nào?
Sau một thời gian trầm lắng, thị trường BĐS cao cấp và siêu cao cấp lại có những dấu hiệu trở lại sôi nổi, tích cực. Theo số liệu mới nhất từ báo cáo quý II/2018 của Savills Việt Nam cũng như thực tế cho thấy, thị trường nhà ở tại TP. HCM vẫn là phân khúc nhận được sự quan tâm của số đông.
Trong đó, sự sôi động trở lại của phân khúc cao cấp và siêu cao cấp nói riêng được hỗ trợ bởi nhiều lợi thế như tích lũy của người dân tăng cao, các chính sách được thiết kế phù hợp với nhiều đối tượng người mua. Với khung pháp lý được nới rộng, cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam (từ năm 2015) cũng như nền kinh tế vĩ mô phát triển ổn định so với các nước trong khu vực đã tạo ra nhiều ưu thế và niềm tin với các nhà đầu tư. Điều này cũng phần nào khiến tình hình cung cầu tại phân khúc cao cấp có những diễn biến tích cực hơn.
Thêm nữa, các yếu tố về chất lượng công trình, uy tín chủ đầu tư cũng như thông tin pháp lý minh bạch đã góp phần tạo ra sức hấp dẫn của thị trường. Bên cạnh nguồn cung mới có chất lượng và thiết kế đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng với nhu cầu để ở lẫn đầu tư, nguồn cầu được thúc đẩy bởi xu hướng sở hữu nhà ở hiện đại, nhiều tiện nghi cũng như lợi tức cho thuê ổn định. Đối tượng người nước ngoài với mục đích đầu tư cũng đang tăng trưởng mạnh ở phân khúc căn hộ cao cấp, tọa lạc tại các vị trí đắc địa trong thành phố.
Đối với phân khúc BĐS cao cấp, đòi hỏi chủ đầu tư phải có kinh nghiệm, quỹ đất tốt và trường vốn. Vậy những DN nào sẽ mạnh tay đổ tiền đầu tư BĐS triệu đô, thưa ông?
Có thể nói, phân khúc BĐS cao cấp phần nào được đánh thức bởi sự hợp tác giữa các nhà phát triển trong và ngoài nước thông qua các thương vụ M&A. Trong khi việc phát triển các dự án cao cấp với giá bán từ khoảng 5.000 USD/m2 đến 10.000 USD/m2 của một số dự án đang và sắp ra mắt không phù hợp với số đông thì nhà đầu tư vẫn có một góc khác để tiếp cận thực tế này.
Theo đó, việc quyết định phát triển loại hình dự án BĐS nào đều là lựa chọn do chính chủ đầu tư cân nhắc và chịu trách nhiệm đối với số vốn họ bỏ ra, mức thanh khoản và biên độ lợi nhuận tự chủ. Sự gia tăng mức độ quan tâm cũng như số lượng người mua dành cho phân khúc cao cấp trong thời điểm từ đầu năm 2018 đến nay, cũng như trong thời gian tới là rất đáng kể.
Vậy đối tượng khách hàng, nhà đầu tư mong muốn điều gì khi bỏ ra khoản tiền khổng lồ để sở hữu những căn hộ triệu đô?
Thực tế, có không ít nhà đầu tư có ngân sách từ 1 – 2 triệu USD trở lên mong muốn sở hữu những căn hộ sang trọng, đẳng cấp, mang dấu ấn cá nhân. Theo đó, những khách hàng này không dừng ở việc tìm kiếm các dự án cao cấp bậc nhất trên thị trường, mà còn quan tâm đến những yếu tố quan trọng như vị trí, uy tín chủ đầu tư, phong cách thiết kế và bố trí mặt bằng của căn hộ, phù hợp với mục tiêu để ở hoặc đầu tư sau này.
Đối với những khách hàng mang tính cá biệt, ngân sách sẽ không còn đóng vai trò tiên quyết nữa, mà sự thuyết phục khách hàng đầu tư cho không gian sống độc đáo, tiện nghi sẽ là yếu tố quyết định.
Theo đó, những thương vụ đạt giá trị trên 1 triệu USD thật sự là một tín hiệu khả quan cho thị trường BĐS Việt Nam. Riêng tại TP. HCM, một căn hộ sang trọng tọa lạc tại trung tâm thành phố có giá khoảng 115,3 triệu đồng/m2 (xấp xỉ 5.000 USD). Và đối với những người mua kén chọn đến từ Đài Loan, Hồng Kông và Hàn Quốc thì Việt Nam là một điểm đến lý tưởng hơn đất nước của họ.
Một lý do nữa để các nhà đầu tư quốc tế tìm đến Việt Nam chính là tỷ suất sinh lợi/vốn đầu tư khá hấp dẫn, tùy theo từng dự án. Do nguồn cung căn hộ cao cấp không mấy dồi dào nên phân khúc này có tính thanh khoản cao hơn và đang tăng với tốc độ 2 con số/năm. Quận 1, quận 2, quận 3 đang là khu vực lý tưởng bởi vị thế đắc địa, lại giáp ranh hệ thống tàu điện ngầm dự kiến hoàn công vào năm 2022.
Xin cảm ơn ông!