Bà Lê Thị Huyền Trang – Trưởng bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Dịch vụ tư vấn JLL – cho biết, nhà đầu tư đến từ Nhật rất quan tâm đến bất động sản nhà ở Việt Nam, đặc biệt là tại TP HCM.
Hiện, đơn vị này chưa có số liệu đầy đủ về số vốn mà các nhà đầu tư Nhật rót vào thị trường, do nhiều đơn vị chưa công bố chi tiết. Tuy nhiên, nếu xét về số lượng, Nhật đang xếp vị trí thứ ba. Singapore đang dẫn đầu với 10 dự án, Đài Loan và Nhật đứng vị trí tiếp theo với 9 dự án tại TP HCM.
“Singapore và Đài Loan đầu tư vào bất động sản TP HCM từ rất lâu, nên số dự án luỹ kế của họ vẫn nhiều hơn. Nhưng nếu xét về tốc độ tăng trưởng, thì các nhà đầu tư đến từ Nhật hoạt động rất sôi động từ năm 2014 trở lại đây”, bà Trang đánh giá.
Theo số liệu của Sở Kế hoạch – Đầu tư TP HCM, trong 6 tháng đầu năm nay, thành phố thu hút gần 487 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó có hơn 10% đến từ Nhật Bản. Hoạt động kinh doanh bất động sản là lĩnh vực đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI, chiếm hơn 1/4 tổng vốn vào thành phố.
Trong buổi công bố báo cáo thị trường quý II, ông Phạm Lâm – CEO DKRA Vietnam – cho biết, bản thân ông cũng đã có nhiều buổi tiếp xúc với các doanh nghiệp Nhật quan tâm vào thị trường bất động sản nhà ở tại TP HCM. Các doanh nghiệp này không chỉ đến từ các quỹ đầu tư mà còn có những nhà phát triển, đơn vị làm dịch vụ bất động sản.
“Sự góp mặt của các nhà đầu tư Nhật là tín hiệu tích cực, giúp TP HCM thu hút thêm nhiều nhà phát triển bất động sản đến từ các quốc gia khác, đặc biệt là từ châu Á, trong dài hạn”, ông Lâm đánh giá.
Khác với các nhà đầu tư đến từ Singapore hay Đài Loan, nhà đầu tư Nhật không tự phát triển một dự án mà có xu hướng hợp tác với một chủ đầu tư trong nước. Theo ông Lâm, dự án có vốn Nhật đang tập trung nhiều hơn tại khu Nam.
Điển hình là mối quan hệ hợp tác giữa Tập đoàn An Gia và quỹ đầu tư Creed Group. Theo số liệu công bố hồi 2015, quỹ đầu tư này rót khoảng 200 triệu USD để phát triển loạt dự án của An Gia tại quận 7 như Riverside, Skyline và River Panorama.
Gần đây nhất, liên doanh này đang chuẩn bị tung ra thị trường dự án thứ 4 là khu phức hợp Sky89. Tọa lạc ngay ngã tư Đào Trí và Hoàng Quốc Việt (liền kề Phú Mỹ Hưng), dự án có quy mô gần 42.500 m2, bao gồm một block cao 35 tầng với 436 căn hộ.
Ngoài ra, An Gia đã thu hút thêm một quỹ đầu tư lớn khác đến từ Nhật Bản là Hoosiers. Đây là tập đoàn có trên 15 năm kinh nghiệm, đang quản lý 100 tòa nhà bao gồm 10.844 căn hộ trải dài khắp Nhật Bản.
Sau hai thập niên, đại gia lớn của khu Nam là Phú Mỹ Hưng cũng lần đầu tiên mở cửa đón dòng vốn từ ba nhà tư Nhật là Daiwa House – Nomura – Sumitomo. Liên doanh này hợp tác phát triển dự án Midtown quy mô 2.500 căn. Giá trị hợp tác không được tiết lộ, tuy nhiên Phú Mỹ Hưng cho biết đây là dự án tốn kém nhất của doanh nghiệp trong năm 2017.
Mizuki Park (Bình Chánh) cũng là một trong những dự án điển hình cho mối hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và nhà đầu tư Nhật trong lĩnh vực nhà ở khu Nam. Dự án do liên doanh Nam Long với Nishitetshu và Hankyu phát triển. Tổng giá trị dự án khoảng 8.000 tỷ đồng, với tỷ lệ góp vốn là 50-50 giữa phía Nhật và Việt Nam.
Ngoài ra, còn có liên doanh Tiến Phát – Sanyo Homes cùng phát triển Ascent Lakeside – dự án có tổng vốn đầu tư 30 triệu USD trên đường Nguyễn Văn Linh.
Nếu chỉ tính riêng khu Nam, số lượng căn hộ tương lai được gắn chuẩn Nhật có thể lên đến chục nghìn căn.
Trái với những lo ngại thời mới mở cửa về sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào bất động sản, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật sẽ giúp thay đổi diện mạo khu vực theo hướng tích cực.
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), bên cạnh vốn, các nhà đầu tư bất động sản Nhật còn có thế mạnh về công nghệ cao gắn với với công trình xanh.
“Không phải ngẫu nhiên mà Nhật có hai dự án đô thị thông minh tại Việt Nam, đây là cái lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam nên học hỏi”, ông Thành nhận xét.
Còn theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, sau thời gian chỉ quan tâm đến bất động sản thương mại (như cao ốc văn phòng, khách sạn), nguồn vốn Nhật đã chuyển sang đầu tư vào thị trường nhà ở. Bên cạnh nhu cầu lớn của thị trường nội địa, các nhà đầu tư này còn muốn tạo ra sản phẩm phục vụ cho cộng đồng người Nhật đang sống và làm việc tại TP HCM.
Nét nổi bật trong xu hướng đầu tư của Nhật là thường đầu tư theo cộng đồng. Khi một quỹ đầu tư tiến vào thị trường nào đó, họ thường kéo theo cả nhà thầu, nhà xây dựng, nhà cung cấp vật liệu xây dựng. Do đó, các dự án có sự tham gia của Nhật thường phải đúng “chuẩn Nhật” – thương hiệu đã khẳng định uy tín và chất lượng ở thị trường toàn cầu, đặc biệt là khu vực châu Á.
“Có những dự án tôi biết có nhà đầu tư Nhật tham gia vào rồi, nhưng đến khi tung sản phẩm, họ mới công bố. Có nghĩa là Nhật rất quan trọng tên tuổi, yêu cầu sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn của họ, dù tỷ lệ vốn góp có thể không cao”, ông Khương khẳng định.
Đơn cử tại dự án Sky89, đại diện An Gia cho biết, họ phải tuân thủ theo hàng loạt các tiêu chuẩn khắt khe “kiểu Nhật” trong quy hoạch, thiết kế và xây dựng công trình. Mỗi căn hộ đều theo xu hướng mở, liên kết thông thoáng giữa phòng khách, phòng bếp và phòng ăn mang đến không gian sinh hoạt rộng rãi.
Dự án còn sở hữu loạt tiện ích nổi bật như công viên kênh đào Canal Park, hồ Sky Pearl với tổng diện tích mặt nước hơn 7.300 m2, vườn cây xanh Pergola, vườn bậc thang Sky Hills, vườn vui chơi trẻ em Kid Garden…
“Người Nhật luôn làm việc dựa trên sự cam kết và chất lượng để mang lại những giá trị tốt nhất cho khách hàng và đối tác. Chúng tôi sẵn sàng tham gia vào mọi quá trình triển khai dự án, cung cấp những thế mạnh về giải pháp tài chính, công nghệ kỹ thuật và quản lý dịch vụ tốt nhất cho các dự án cùng An Gia”, đại diện Creed Group khẳng định.