Tham dự chương trình mở bán một dự án căn hộ được “gắn mác” 5 sao do một doanh nghiệp bất động sản tổ chức vào đầu tháng 3/2020, thật không khó để nhận thấy nhân viên giao dịch của các sàn bất động sản đông hơn khách hàng dù dự án này được 7 sàn giao dịch tham gia phân phối.
“Mời khách không đi được nên mình phải huy động nhân viên, người nhà đi cho không khí náo nhiệt” – đại diện một sàn giao dịch tham gia bán hàng nói trong chua chát.
Đáng chú ý là không khí “ảm đạm” này không chỉ xuất hiện trong sự kiện nói trên mà nhiều chương trình mở bán từ đầu năm 2020 do các doanh nghiệp bất động sản tại Đà Nẵng tổ chức đều có hiện tượng nhân viên đông hơn khách hàng.
Cùng với đó, thay vì tổ chức hoành tráng như khi thị trường sôi động với vài chục bàn trong hội trường lớn thì các sự kiện được tổ chức trong thời gian này chỉ lác đác vài bàn, không khí tranh mua tranh bán như mọi năm vì thế cũng không còn.
Trò chuyện với Giám đốc một công ty bất động sản tổ chức mở bán dự án vào đầu năm 2020, vị này cho biết hiện nay thị trường đang quá khó, nhà đầu tư đang mất niềm tin, lại lo lắng vì dịch COVID -19 nên việc tìm khách tham gia các sự kiện, lấp đầy không gian, tạo không khí sôi động trong lễ mở bán, giới thiệu dự án cũng khó chứ đừng nói thuyết phục họ xuống tiền.
“Cứ nhìn toàn cảnh buổi mở bán thì biết, khách thì ít, bàn thì nhiều, khoảng trống đầy, cũng may do có nhiều sàn giao dịch cùng tham gia phân phối chứ không thì không biết sẽ như thế nào” – vị GĐ này chia sẻ.
Lý giải cho hiện tượng này, CEO một công ty bất động sản cho biết: Tâm lý khách hàng trong thời điểm này sẽ e ngại đám đông và hạn chế tiếp xúc người lạ, việc nhân viên đông hơn khách hàng cũng là đương nhiên.
“Tuy biết mở bán sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng hợp đồng đã ký với chủ đầu tư có ghi rõ điều khoản: Khi nào phải mở bán, khi nào thì đóng tiền cho chủ đầu tư, khi nào kết thúc hợp đồng… nên nhiều doanh nghiệp bắt buộc phải tổ chức để vớt được khách hàng nào hay khách hàng đó chứ không lẽ nằm im chờ… ”chết””, vị này tiết lộ.
Các chuyên gia của CBRE cũng cùng chung nhận định. Trong báo cáo mới của CBRE, đơn vị này nhận định đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương và gần như toàn bộ các loại hình bất động sản chính đều đang chịu thiệt hại đáng kể do dịch bệnh trong hơn 2 tháng qua.
Đối với phân khúc nhà ở bán, thị trường ghi nhận các chủ đầu tư cũng như phía sàn môi giới trong thời điểm này buộc phải tạm hoãn các hoạt động quảng cáo, mở bán vì tâm lý tránh tụ tập đông người trong lúc dịch bệnh bùng phát.
“Hơn nữa, các nhà đầu tư vào thị trường này cũng đang có tâm lý chờ đợi và dè chừng hơn trong các quyết định đầu tư của mình khiến không khí thị trường thêm ảm đạm”, báo cáo của CBRE khẳng định.
Khảo sát thực tế tại Đà Nẵng cho thấy, quý I/2020, bên cạnh những khó khăn do dịch COVID – 19 gây ra thì hầu hết các doanh nghiệp địa ốc đều không có sản phẩm ra mắt, mở bán. Thậm chí, một số công ty nhỏ còn cho biết chưa có kế hoạch cụ thể cho năm 2020, do nguồn hàng đã cạn kiệt. Chỉ một số rất ít doanh nghiệp hiếm hoi có đưa ra sản phẩm chào bán cho quý đầu năm tại Huế, Quảng Ngãi…
Vậy trong giai đoạn khó khăn này doanh nghiệp cần làm gì để “vượt bão”? Theo ông Nguyễn Hà Anh Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Địa ốc Trung Tín, nếu các sự kiện bán hàng theo kiểu truyền thống không thuận lợi khi tổ chức, các doanh nghiệp cần phải chủ động đổi mới.
“Thay vì làm theo truyền thống thì các doanh nghiệp có thể thay thế bằng các giải pháp công nghệ để khách hàng dễ dàng tiếp cận thông tin ngay tại nhà hoặc lùi thời điểm mở bán trong bối cảnh tâm lý “né” đám đông của khách hàng còn rõ nét ở giai đoạn này” – ông Tuấn gợi ý.
Cũng theo vị này, nhìn chung thị trường cũng không quá khó khăn bởi bên cạnh nhu cầu đầu tư, đầu cơ, lướt sóng có thể hạ nhiệt trong giai đoạn này thì nhu cầu nhà ở vẫn tăng trưởng ổn định. Các doanh nghiệp cần tập trung vào việc gia tăng giá trị sản phẩm phục vụ nhu cầu an cư như đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng, tiện ích và đảm bảo tiến độ như đã cam kết với khách hàng.
Thu Giang