Khó bứt phá trong năm 2018…
Năm 2017, sau 5 năm “đứng bóng”, thị trường bất động sản Bình Dương đã có những tín hiệu cựa mình thức giấc với nhiều dự án được công bố ra thị trường của Kim Oanh, SamLand, Phú Đông, NHO…
Tuy nhiên, một điều nhận thấy là những dự án này chủ yếu nằm tại huyện Dĩ An, nơi giáp với TP.HCM, còn tại Thành phố mới, nơi là cơn sốt một thời khi Bình Dương xây dựng khu đô thị thông minh, hiện đại quanh trụ sở hành chính của tỉnh, vẫn khá yên ắng.
Theo ông Nguyễn Huy Vũ, Tổng giám đốc BV Land, việc thị trường địa ốc Bình Dương chưa thể trở lại như thời kỳ hoàng kim là do nhiều yếu tố. Chẳng hạn, Thành phố mới Bình Dương dù được đầu tư hạ tầng giao thông hiện đại, nhưng lại thiếu các tiện ích để có thể thu hút người dân về sinh sống.
“Hiện tại, Thành phố mới Bình Dương mới chỉ có duy nhất một trường cấp 2, 3 Ngôi Thời Nhiệm hoạt động tại đây, trung tâm thương mại, ngân hàng, bệnh viện… đều không có. Do đó, dù đường sá rộng rãi, nhưng người dân và chuyên gia nước ngoài không về đây sinh sống, khiến Thành phố mới vắng bóng người, nhất là vào ban đêm, khi các công sở đóng cửa”, ông Vũ nói.
Một lý do nữa, đó là giá đất tại Thành phố mới đã được đẩy lên mức khá cao. Tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, hiện giá đất giao dịch tại khu vực này dao động từ 40 – 55 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất tại quận 9, quận Thủ Đức, TP.HCM chỉ từ 20 – 40 triệu đồng/m2. Giá quá cao, trong khi tiện ích không có gì, nên khó có thể thu hút được người mua.
Ngoài ra, dù hạ tầng giao thông tại trung tâm Thành phố mới tốt, nhưng giao thông kết nối giữa thành phố này với các khu vực lân cận lại không tốt, khiến nhiều người ái ngại khi mua nhà, hay chuyển về đây sinh sống. Đơn cử, Quốc lộ 13 nối TP.HCM vào trung tâm tỉnh Bình Dương đã 17 năm qua vẫn không thực hiện được, giao thông luôn trong tình trạng kẹt, mặt đường xuống cấp khiến nhiều người làm việc tại TP.HCM không hào hứng về tỉnh Bình Dương an cư.
Một điểm hạn chế nữa là hiện Bình Dương ít có dự án bài bản, giao dịch hiện nay trên thị trường chủ yếu là mua bán qua tay giữa người dân với nhau, nên khá rủi ro cho người mua. Thêm vào đó, việc có nhiều khu công nghiệp, nhà máy tạo nguồn cầu lớn về nhà ở, nhưng với các khách hàng khác, nhất là người dân đang làm việc tại TP.HCM ái ngại định cư tại đây vì sợ ô nhiễm.
Vì vậy, sự sôi động của thị trường bất động sản Bình Dương thời gian qua chủ yếu diễn ra tại huyện Dĩ An, nới giáp ranh với TP.HCM, với đường Phạm Văn Đồng và Quốc lộ 1A, kết nối dễ dàng vào trung tâm TP.HCM và các tiện ích xã hội, khu vui chơi giải trí. Đặc biệt, khu vực này có giá thấp và không có nhà máy, khu công nghiệp hoạt động.
Tương tự, ông Phan Công Chánh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Phú Vinh cho rằng, một nguyên nhân quan trọng khiến bất động sản Bình Dương đánh mất niềm tin của giới đầu tư là bài toán đưa dân về ở các khu đô thị. Thành phố mới Bình Dương sau hơn 10 năm được hình thành, đến giờ, vẫn vắng lặng, nhiều khu đô thị khác tại đây cũng đang rơi vào tình trạng nhà có người không.
“Theo quan sát của tôi, tại Bình Dương chỉ có một số dự án nhà ở giá rẻ, hoặc đất nền diện tích nhỏ kèm nhà xây sẵn có mức giá từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đáp ứng nhu cầu của số đông người dân và lao động nhập cư mới được chú ý và thanh khoản tốt hơn”, ông Chánh nói.
Cũng theo ông Chánh, muốn một khu đô thị mới phát triển, có người dân đến ở thì phải có sự đồng bộ về hạ tầng, gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, trong đó hạ tầng kỹ thuật, giao thông phải có trước. Ngoài ra, hạ tầng xã hội bao gồm trường học, bệnh viện, chợ búa, khu vui chơi giải trí và các phương tiện giao thông công cộng trong toàn khu vực… phải đáp ứng được nhu cầu sinh sống của người dân. Hiện nay, Bình Dương vẫn đang thiếu và yếu những vấn đề trên. Đây là một trong những lý do khiến người dân vẫn chưa chọn những khu đô thị này là nơi an cư.
… nhưng nhiều tiềm năng trong dài hạn
Với Dự án Thành phố mới Bình Dương, Becamex IDC mới đây cho biết, Tổng công ty tính toán, đến năm 2020, để hoàn thành các dự án thành phần theo quy hoạch là hơn 200.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 10 tỷ USD. Những dự án thành phần chủ yếu là khu vui chơi, giải trí, trường học, trung tâm thương mại…, nếu được hoàn thành vào năm 2020, sẽ là cửa sáng cho thị trường khu trung tâm tỉnh Bình Dương phát triển.
Bên cạnh đó, một điểm tựa nữa để thị trường bất động sản Bình Dương phát triển là quy hoạch vùng TP.HCM.
Cụ thể, theo Điều chỉnh quy hoạch liên kết vùng TP.HCM năm 2030 tầm nhìn 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP. Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) trở thành đô thị loại I. Là đô thị hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các chức năng là khu công nghệ cao, công nghiệp sạch có hàm lượng kỹ thuật cao; các tuyến, điểm du lịch quốc gia – quốc tế; trung tâm đào tạo của vùng; trung tâm dịch vụ cấp quốc gia…
Việc được công nhận là đô thị loại I sẽ tạo động lực quan trọng để TP. Thủ Dầu Một nói riêng và Bình Dương nói chung phát triển theo đúng chương trình định hướng phát triển đô thị quốc gia và tạo cú huých cho thị trường bất động sản địa phương này phát triển.
Ngoài ra, một yếu tố tích cực nữa với thị trường địa ốc Bình Dương là tháng 11/2017, TP.HCM quyết định phê duyệt việc kéo tuyến metro số 1 từ ga Suối Tiên đến thị xã Dĩ An (Bình Dương). Trước đó, phương án kéo dài tuyến metro này cũng đã được tỉnh Đồng Nai và Bình Dương chấp thuận.
Dự kiến, tuyến metro 1 Bến Thành – Suối Tiên sẽ được đưa vào khai thác từ năm 2020, kết hợp với hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa TP.HCM và Bình Dương, cũng như các tỉnh Nam Tây Nguyên. Bên cạnh đó, tuyến metro cũng giúp đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa và gia tăng giá trị bất động sản của Bình Dương.
Chưa hết, mới đây, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đưa ra chương trình chiến lược đột phá kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Dương đến năm 2021, tầm nhìn 2030. Bên cạnh đó, Đề án thành phố thông minh Bình Dương cũng đã được khởi động năm 2016, sau khi Bình Dương kết nghĩa với TP. Einhoven (Hà Lan).
Hiện nay, các ban ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp tại Bình Dương đã đưa các nội dung đề án thành phố thông minh vào định hướng hành động. Đề án này thực hiện thành công sẽ biến Bình Dương thành một đô thị hiện đại, phát triển đột phá dựa trên nền tảng kinh tế tri thức.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, tỉnh Bình Dương đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông, tạo kết nối thuận lợi với TP.HCM, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên.
Nhiều tuyến giao thông quan trọng đã được đầu tư phát huy hiệu quả như Đại lộ Bình Dương, đường Mỹ Phước – Tân Vạn giúp nối liền các khu công nghiệp của tỉnh với các cảng biển, sân bay…, cũng là bàn đạp lớn cho thị trường bất động sản Bình Dương đi lên trong thời gian tới.