Sức nóng từ hạ tầng
Theo nguồn tin của Báo Đầu tư Bất động sản, cuối năm 2017, một đại gia địa ốc tên tuổi của tỉnh Đồng đã có đề xuất với tỉnh Đồng Nai về việc bổ sung xây dựng cầu qua sông Đồng Nai kết nối tuyến đường Vành đai 3 (phân đoạn 1B, quận 9, TP.HCM) vào Quốc lộ 51 (tỉnh Đồng Nai).
Đề xuất này vừa được UBND tỉnh Đồng Nai giao cho các ban, ngành liên quan của tỉnh nghiên cứu xem xét, báo cáo. Dù đây mới chỉ là đề xuất, song việc sẽ có một chiếc cầu nối quận 9 sang Đồng Nai đã trở thành tâm điểm của giới đầu tư địa ốc.
Không chỉ có thông tin trên, là đầu mối của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Biên Hòa nói riêng và Đồng Nai nói chung đã và đang trở thành khu vực kết nối của hàng loạt công trình trọng yếu.
Cuối năm 2017, UBND TP.HCM đã chấp thuận kéo dài tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đến Biên Hòa. Quyết định trên đã giúp đà sôi động của bất động sản khu Đông TP.HCM tiếp tục lan rộng.
Thêm nữa, Bến xe miền Đông của TP.HCM cũng chính thức được dời về quận 9, giáp với TP.Biên Hòa. Hiện công trình này đang được khẩn trương xây dựng, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động cuối năm 2018.
Ngoài ra, theo kế hoạch, Đồng Nai sẽ xây dựng cầu Vàm Cái Sứt, nối từ Quốc lộ 51 với đường cao tốc TP.HCM; đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa với Bà Rịa – Vũng Tàu… Xét ở góc độ giãn dân, đây là những yếu tố quan trọng để lý giải vì sao thời gian qua, Biên Hòa thu hút khá nhiều người làm việc ở TP.HCM tìm đến mua nhà, đất để định cư.
Chưa hết, tỉnh Đồng Nai cũng triển khai hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm khác như trục đường trung tâm Biên Hòa dài 1,3 km, nối quảng trường tỉnh cắt ngang đường Võ Thị Sáu đến bờ kè sông Cái, bờ kè sông Đồng Nai dài 5,4 km, đường liên phường Tân Phong – Trảng Dài – Tân Hiệp…, tạo ra sự liên hoàn của hạ tầng giao thông.
Bản thân TP. Biên Hòa cũng sở hữu lợi thế dân số đông, khoảng 1,2 triệu người, ngang bằng với những thành phố trực thuộc Trung ương như Cần Thơ, Đà Nẵng. Trục bất động sản này còn gần sát 20 khu công nghiệp lớn với hơn 15.000 chuyên gia nước ngoài, 500.000 công nhân đang làm việc.
Do đó, nhu cầu đáp ứng về nhà ở cho người dân tại chỗ đã rất lớn và dự báo sẽ còn gia tăng thêm trong thời gian tới, bởi người dân nhập cư sẽ tiếp tục tăng khi Biên Hòa sẽ hình thành khu trung tâm hành chính – văn hóa – thương mại mới.
Nước lên, thuyền lên
Thật ra, không phải đến lúc này, thị trường bất động sản Biên Hòa mới chứng kiến sự sôi động, mà ngay từ đầu năm 2017, thị trường này đã trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư, cũng như người mua nhà để ở. Tuy nhiên, từ sau Tết Mậu Tuất đến nay, nhiều khu vực của Biên Hòa, đặc biệt là các khu vực giáp ranh với TP.HCM như Long Hưng, Tam Phước, Hóa An… liên tiếp tạo nên cơn sốt mới về thanh khoản và mức giá cũng tăng mạnh từ 10 – 20%.
Biên Hòa là khu vực trung tâm kinh tế, hành chính của tỉnh Đồng Nai, là khu vực giáp ranh với khu Đông của TP.HCM như quận 9 và quận Thủ Đức. Thời gian qua, giá đất tại khu vực quận 9 và Thủ Đức tăng nhanh chóng mặt, vượt khả năng thanh toán của nhiều người có nhu cầu về nhà ở.
Còn với giới đầu tư, việc giá đất tại các quận thuộc khu Đông TP.HCM đồng nghĩa với rủi ro cũng lớn, nên dòng vốn đầu tư đã “dạt” về các khu vực vùng ven, trong đó có Biên Hòa, khiến giá đất ở đây tăng cao.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, tại một số khu vực đất có pháp lỹ rõ ràng, quy hoạch bài bản ở những phường rìa ngoài trung tâm TP. Biên Hòa như Tam Phước, Phước Tân, Trảng Dài…, giá tăng hơn 5-10%. Tại xã Hóa An, tiếp giáp với thị xã Dĩ An (Bình Dương), đất có sổ riêng thổ cư được một sàn giao dịch rao bán 1,2 tỷ đồng/100 m2.
Tương tự, tại nhiều tuyến đường nằm trong khu vực trung tâm của TP. Biên Hòa như Phạm Văn Thuận, Đồng Khởi, Nguyễn Ái Quốc…, giá nhà đất cũng không ngừng nhảy múa với mức tăng giá trung bình 10% so với tháng trước, giá dao động từ 60 – 80 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, sức hút đáng chú ý nhất của thị trường bất động sản Biên Hòa hiện nay là đất nền tại Dự án Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng, nằm ven sông Đồng Nai, liền kề với TP.HCM. Đầu năm 2017, dự án này được chào bán ra thị trường với mức giá trung bình từ 7,5 – 8 triệu đồng/m2, nhưng đến thời điểm hiện nay, mức giá gốc do chính chủ công bố đã lên 16,5 triệu đồng/m2. Không chỉ tăng giá, mà thanh khoản của dự án này cũng tăng khá mạnh.
Theo bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty Eximrs, trong hơn 1 năm qua, đã có gần 2.000 sản phẩm của dự án được tiêu thụ.
“Nếu so sánh với mức giá trong một năm qua, thì giá đất tại Dự án Long Hưng có vẻ tăng mạnh, nhưng nếu xét về địa thế, cơ sở hạ tầng, tiềm năng, thì giá tại Dự án vẫn còn khá mềm so với các khu vực khác”, giám đốc một sàn giao dịch bất đông sản tại Dự án Long Hưng nói và lý giải, đó là lý do vì sao trong hầu hết các đợt mở bán, dự án này vẫn thu hút rất nhiều người quan tâm.
Theo các chuyên gia bất động sản, không chỉ với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, hiện bất động sản Biên Hòa cũng đang lọt vào tầm ngắm của các đại gia địa ốc với nhiều dự án có quy mô lớn đang được đầu tư.
Cụ thể, hầu hết các doanh nghiệp tên tuổi đều có mặt ở đây như Kim Oanh, Đất Xanh, Novaland, trong đó đáng chú ý là Dự án Amata City Biên Hoà do Tập đoàn Amata làm chủ đầu tư.
Đây là dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 2,66 tỷ USD, thu hút 164 nhà đầu tư thứ cấp đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kế hoạch sẽ phát triển thành một thành phố thông minh, tạo ra 49.000 việc làm. Một khi các dự án lớn được hình thành, hứa hẹn sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị Biên Hòa nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung.