PHÓNG VIÊN: – Hiện nay, các NHTM đang nắm giữ TPCP ra sao, thưa bà?
Bà PHAN THỊ THU HIỀN: – Trước năm 2014, NĐT trên thị trường TPCP chủ yếu là các NHTM với tỷ lệ nắm giữ 79,7% tổng dư nợ TPCP. Tuy nhiên, các NHTM chủ yếu huy động vốn ngắn hạn, không thể đầu tư dài hạn, nên chỉ có thể phát hành TPCP ở kỳ hạn ngắn.
Sau khi thực hiện tái cơ cấu, NĐT trên thị trường TPCP đa dạng hơn, trong đó có sự tham gia của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Kết quả mang lại tương đối khả quan. Đến năm 2016, tỷ lệ nắm giữ của các NHTM giảm xuống còn 54%, năm 2017 còn 53,2% và hết tháng 7 vừa qua là 51,1%. So các nước trong khu vực (Thái Lan 60%, Singapore 49-50%) tỷ lệ này tương đối hợp lý.
Về kỳ hạn, trước kia phổ biến 3-5 năm nay đã phát hành kỳ hạn dài hơn 10, 15, 20 năm, thậm chí 30 năm, đã đáp ứng được nhu cầu đa dạng của NĐT. Trong giai đoạn 2016-2017 đã có bước tiến là thu hút thêm được sự tham gia của NĐTNN – vốn có quan điểm đầu tư dài hạn vào thị trường TPCP.
Bên cạnh đó, trước kia tỷ lệ nắm giữ TPCP của NĐT trong nước và nước ngoài tương ứng 40% và 60%, nay 60% và 40%. Kỳ hạn TPCP đã kéo dài hơn, năm 2017 là 12,7 năm và 6 tháng là 13 năm. Trên cơ sở đó đã kéo dài danh mục vay nợ còn lại từ 2,38 năm 2013 lên 6,72 năm vào thời điểm hiện nay.
– Việc đẩy mạnh phát hành TPCP liệu có khiến NHTM tập trung mua TPCP, ảnh hưởng đến việc cho DN vay, thưa bà?
– Với tỷ lệ nắm giữ TPCP của TCTD giảm từ 79,7% xuống 51,1%, việc phát hành, nắm giữ TPCP không lệ thuộc vào hệ thống NH. Các NHTM mua TPCP với mục đích giữ tỷ lệ an toàn vốn và gắn với khả năng sinh lời. NHTM mua TPCP có thể 1-2 ngày hay 1-2 tháng sau bán để tối đa hóa lợi nhuận trong sử dụng vốn nhàn rỗi. Việc mua TPCP của NHTM nằm trong giới hạn an toàn vốn do NHNN quy định. Việc nắm giữ TPCP cũng giúp NHNN trong triển khai các nghiệp vụ tái cấp vốn, hoạt động thị trường mở.
Tại thời điểm cuối năm 2017, tỷ lệ đầu tư TPCP chiếm 7,28% tổng tài sản hệ thống NH, trong khi dư nợ tín dụng chiếm 65% tổng tài sản, tương đương 130% GDP.
– Quy mô thị trường TPCP của Việt Nam so với các nước ra sao, thưa bà?
– So với các nước khu vực, quy mô thị trường TPCP của Việt Nam tương đối nhỏ, chỉ khoảng 29% GDP. Trong khi Singapore, Thái Lan, Malaysia khoảng 49-55% GDP. Đó là chưa kể quy mô GDP Việt Nam còn nhỏ so với các nước này. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung phát triển thị trường thứ cấp.
Trước đây giao dịch TPCP chỉ khoảng 1.000 tỷ đồng/phiên, năm 2017 tăng lên 9.000 tỷ đồng/phiên và bình quân những tháng đầu năm nay hơn 10.000 tỷ đồng/phiên. Trong khi Thái Lan là khoảng 13.000 tỷ đồng/phiên, còn Hàn Quốc và Singapore gấp khoảng 3 lần Việt Nam. Nếu thị trường thứ cấp phát triển, việc phát hành TPCP 10-15 năm không đáng quan ngại vì NĐT nắm giữ có thể dễ dàng giao dịch, chuyển đổi TPCP nắm giữ sang tiền. Để phát triển thị trường thứ cấp, việc tạo dựng các nhà tạo lập thị trường là điều rất quan trọng.
Ngày 30-6 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 95/2018/NĐ-CP về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán. Điểm quan trọng trong đó là quy định về nhà tạo lập thị trường. Theo đó, nhà tạo lập thị trường có quyền tham gia các phiên đấu thầu TPCP, cũng như thường xuyên chào giá 2 chiều trên thị trường (giá mua – bán).
– Quy mô TPDN hiện nay còn quá nhỏ. Theo bà, nguyên nhân do đâu và giải pháp là gì?
– Thị trường TPDN còn sơ khai và chỉ mới phát triển vào năm 2000 khi có thị trường chứng khoán. Tính đến cuối năm 2017 chiếm khoảng 6,2% GDP so với 3,3% năm 2011. Đây cũng là tỷ lệ thấp so với tỷ lệ 22-50% của các nước trong khu vực, thậm chí nhỏ so với tín dụng NH là 130% GDP. Lý do là tâm lý người dân vẫn có thói quen gửi tiền NH, hiện chiếm khoảng 80% GDP, trong đó tiền gửi ngắn hạn chiếm 70% GDP. Nếu chúng ta huy động được nguồn tiền ngắn hạn này có thể chuyển sang được nguồn vốn dài hạn.
Bên cạnh đó, DN muốn phát hành TPDN phải tuân thủ quy định về điều kiện, quy trình hồ sơ, công bố thông tin… Đây là những quy định DN không quen, nhất là DNNVV vốn dựa vào tín dụng NH. Bản thân DN, trong sự lựa chọn vay vốn sẽ chọn kênh nào thuận tiện hơn và thường chọn kênh NH.
Đứng ở góc độ cầu, TPCP có các quy định về việc nắm giữ của NĐT tổ chức, còn TPDN chưa có cơ chế chính sách tương tự. Nhu cầu trên thị trường chưa cao, NĐTNN cũng chưa muốn đầu tư vào TPDN ở Việt Nam. Ngoài ra, hạ tầng cơ sở và trung gian tài chính như tổ chức: kiểm toán, định mức tín nhiệm, thông tin… chưa có nên muốn phát triển cần có lộ trình cụ thể.
– Vậy muốn phát triển thị trường TPDN, Bộ Tài chính đã có những giải pháp gì, thưa bà?
– Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã đã ký Quyết định 1191/QĐ-TTg phê duyệt lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, phấn đấu năm 2020, dư nợ thị trường TPDN đạt khoảng 7% GDP và khoảng 20% GDP vào năm 2030. Để làm được điều này, Bộ Tài chính sẽ xây dựng khuôn khổ pháp lý tách bạch nhóm DN phát hành TPDN ra công chúng và nhóm DN phát hành riêng lẻ với các điều kiện khác nhau. Vấn đề tiếp theo là phát triển cơ sở NĐT.
Hiện quy định về quỹ hưu trí đã có hướng dẫn để thu hút vốn dài hạn. Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội cũng đề cập đến mở rộng cơ sở đầu tư của bảo hiểm xã hội. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu nguồn tiền từ khu vực này.
Bởi nếu quỹ này mua chứng chỉ tiền gửi họ có thể đầu tư vào DN được xếp hạng tín nhiệm cao mà phát hành TPDN. Ngoài ra, với nhóm phát hành, DN phải có chế độ kế toán chuẩn mực, chế độ công bố thông tin… để đáp ứng quy trình của việc phát hành.
Hiện NHNN đã có thông tư hướng dẫn về tỷ lệ an toàn vốn, trong đó quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn; cho vay với 1 DN tối đa ra sao. Do đó, DN sẽ phải tìm đến kênh huy động vốn khác. Cùng với đó sẽ tập trung phát triển hạ tầng cơ sở liên quan đến tổ chức trung gian: bao gồm trung tâm thông tin, lưu ký… để NĐT có thông tin về DN phát hành.
– Xin cảm ơn bà.