Bất thường nối tiếp bất thường
Năm 2011, lợi nhuận của APC là 34,55 tỷ đồng. Năm 2012, con số này giảm về gần 13 tỷ đồng, sau đó tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2014 là 25 tỷ đồng, 2015 là 27,3 tỷ đồng, 2016 là hơn 41 tỷ đồng và đến năm 2017 tăng đột biến lên mức 66,3 tỷ đồng.
Với việc vốn điều lệ hầu như không thay đổi trong những năm qua, có thể nói, APC là một điển hình về kinh doanh hiệu quả. Đây có lẽ là lý do vì sao giá cổ phiếu APC sau thời gian đi ngang kéo dài, đã bứt phá mạnh mẽ trong năm 2017, từ 18.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm (ngày 3/1/2017) tăng lên mức đỉnh 91.500 đồng/cổ phiếu tại phiên giao dịch ngày 19/12/2017. Cùng với đó, thanh khoản cổ phiếu APC cũng được cải thiện.
Tích cực là vậy, nhưng đằng sau đó là những bất thường. Báo cáo tài chính kiểm toán APC cho thấy, năm 2017, Công ty đạt doanh thu 153,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 66,3 tỷ đồng, thấp hơn mức lợi nhuận trên báo cáo tài chính quý IV/2017 tự lập là 68,9 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do phát sinh từ hạch toán tăng chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng.
Thông thường, doanh nghiệp có thể dễ dàng giải thích về sự chênh lệch này. Tuy nhiên, có một con số vênh rất lớn giữa 2 báo cáo tài chính, đó là trong báo cáo tài chính tự lập, APC phản ánh khoản tiền hơn 75 tỷ đồng ở mục tiền và tương đương tiền, hạng mục tiền đang chuyển, còn tại báo cáo tài chính, khoản tiền này phản ánh ở mục trả trước ngắn hạn cho người bán. Vì sao có sự khác nhau này là điều mà thị trường quan tâm.
Câu chuyện của APC càng gây chú ý hơn khi chỉ trong một thời gian ngắn, nhà đầu tư phát hiện khoản tiền hơn 75 tỷ đồng nêu trên được trả trước cho một doanh nghiệp mới thành lập ngày 25/8/2017 (Công ty Corpex Asia Ltd) và APC xin phát hành riêng lẻ 6 triệu cổ phiếu (tương đương 50% lượng cổ phiếu đang lưu hành) với giá 20.000 đồng/cổ phiếu cho một đối tượng khác (Công ty Torus Capital Investments PTE.LTD), cũng mới thành lập (ngày 28/9/2017), mà không phải là phát hành cho cổ đông hiện hữu, trong bối cảnh các nhà đầu tư đang giao dịch cổ phiếu APC ở mức giá trên 70.000 đồng/cổ phiếu. Và sau đó, cổ phiếu APC lao dốc với 7 phiên giảm sàn liên tiếp.
Không chỉ bất thường trong báo cáo tài chính và phương án phát hành riêng lẻ, APC còn khiến nhà đầu tư ngạc nhiên khi trình kế hoạch đầu tư lên tới 1.324 tỷ đồng cho Trung tâm Nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ chiếu xạ TP.HCM (Apira) và hơn 693 tỷ đồng cho dự án Nhà máy chiếu xạ An Phú Bắc Ninh. Tổng mức đầu tư hai dự án này đạt hơn 2.000 tỷ đồng, lớn gấp 6,7 lần tổng tài sản của APC tại ngày 31/12/2017.
Nỗi đau cổ đông nhỏ lẻ
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 ngày 16/3 vừa qua, Hội đồng quản trị APC đã trình thêm một phương án tăng vốn điều lệ bằng phát hành 3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 4:1 và 3 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư, bên cạnh phương án phát hành riêng lẻ 6 triệu cổ phiếu ban đầu. Nhiều ý kiến cho rằng, phương án này dường như chỉ để “chữa cháy” sau khi kế hoạch phát hành ban đầu bị phản ứng, vì trong các tờ trình và chương trình họp ban đầu, APC không nhắc đến kế hoạch này.
Kết thúc cuộc họp, chỉ có phương án tăng vốn mới được thông qua. Nhưng sự thay đổi này có đảm bảo được quyền lợi cho cổ đông nhỏ lẻ hay không vẫn cần thêm thời gian để trả lời. Có một điều chắc chắn rằng, những nhà đầu tư nhỏ lẻ đã chịu thiệt hại trong thương vụ này.
Câu hỏi đặt ra là, lãnh đạo APC có phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại này? Điều 114, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định, cổ đông phổ thông có quyền ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty.
Điều 160, Luật Doanh nghiệp hiện hành quy định về trách nhiệm của người quản lý công ty ghi rõ: “Thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc/giám đốc và người quản lý khác có trách nhiệm “thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty; trung thành với lợi ích của công ty và cổ đông…”.
Vậy, việc đưa ra một tờ trình mà ngay lập tức, cổ đông hiện hữu bị mất đi quyền lợi được mua cổ phiếu với mức giá ưu đãi, thị giá cổ phiếu ngay lập tức giảm, các cổ đông bị mất đi vị thế của mình tại công ty có phải là một hành động bảo vệ lợi ích cổ đông của APC?
Nếu các cổ đông lớn đã quyết, cổ đông nhỏ lẻ dù muốn, cũng không thể phủ quyết được phương án này. Trong trường hợp của APC, dù phương án chào bán riêng lẻ ban đầu không được thông qua, nhưng nhà đầu tư đã bị mất tiền. Điều gì sẽ xảy ra nếu như tại những công ty đại chúng khác, hội đồng quản trị cũng dùng những phương án… trên trời để khiến giá cổ phiếu tăng/giảm thất thường?
Xếp hạng bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ của Việt Nam lâu nay luôn ở mức thấp và nếu những vụ việc như tại APC không được hạn chế, thì có lẽ, con đường “đội sổ” về tiêu chí này sẽ không còn xa nữa.