Trước đó, nhiều công ty chứng khoán cũng đã đưa ra những dự báo khả quan về kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm và cả năm 2018 của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, giá “cổ phiếu vua” vẫn bốc hơi mạnh trong quý II, bất chấp thành quả tăng trưởng mạnh trong quý I.
Lợi nhuận lạc quan
Cụ thể, tại Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ kinh doanh 6 tháng cuối năm 2018, ông Phạm Quang Dũng – Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, trong 6 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 7.722 tỷ đồng, tăng 52,7% so với cùng kỳ 2017, thực hiện 55,2% kế hoạch 2018. Các chỉ tiêu sinh lời đều được cải thiện so với năm 2017, như tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) đạt 2,76%; tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROAA) đạt 1,24%; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROAE) đạt 22,71%.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tích cực cũng được Nam A Bank công bố. Theo đó, tính đến 16/6/2018, lợi nhuận trước thuế đạt 97,3% kế hoạch năm. Với mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2018 là 320 tỷ đồng, có thể tính ra được con số lãi trước thuế nửa đầu năm của Nam A Bank đạt khoảng hơn 311 tỷ đồng. Con số này đã vượt cả lợi nhuận trước thuế cả năm 2017 là 301 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của TP Bank, sau khi trích lập đầy đủ dự phòng, đạt mức 1.024 tỷ đồng, tăng 541 tỷ đồng, tương đương 212% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời đạt 112% so với kế hoạch 6 tháng đầu năm 2018. Trong đó, riêng quý II, ngân hàng này đạt lợi nhuận trước thuế 512 tỷ đồng.
Mặc dù chưa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nhưng 5 tháng đầu năm, Ngân hàng VIB cho biết, lợi nhuận trước thuế đạt 918 tỷ đồng, tăng gần 230% so với cùng kỳ năm trước và đạt gần 50% kế hoạch lợi nhuận cho cả năm 2018. Doanh thu của ngân hàng này đạt 2.187 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ 2017.
Một số ngân hàng chưa công bố kết quả kinh doanh ước tính 6 tháng, chẳng hạn Sacombank, HDBank, OCB, Techcombank, LienVietPostBank, nhưng tiết lộ lợi nhuận năm nay sẽ lạc quan hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước nhờ doanh thu tăng ở cả mảng dịch vụ lẫn tín dụng.
Cổ phiếu vẫn đi xuống
Bất chấp những dự báo kết quả kinh doanh đột biến cả năm 2018, cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn đang giảm mạnh. Chỉ trong khoảng thời gian từ đầu quý II/2018 đến phiên giao dịch ngày 3/7, các cổ phiếu đầu ngành như BIDV (mã chứng khoán: BID) giảm 48,7%, VietinBank (mã chứng khoán: CTG) giảm 40%, Vietcombank (mã chứng khoán: VCB) giảm 24%; các cổ phiếu nổi bật khác như: Ngân hàng ACB (mã chứng khoán: ACB) giảm 12%, MBBank (mã chứng khoán: MBB) giảm tới 34,5%, VPBank (mã chứng khoán: VPB) giảm 38,5%.
Thậm chí, sự lao dốc trong quý II/2018 cũng xóa hết đà tăng trưởng mạnh trong quý I/2018 của cổ phiếu ngân hàng. Tính từ thời điểm đầu năm 2018 đến phiên giao dịch ngày 3/7, cổ phiếu ngành ngân hàng đều giảm trừ cổ phiếu VBC tăng trưởng 1,8%. Cụ thể, cổ phiếu BID giảm 14%, CTG giảm 13%, VPB giảm 3,5%, ACB giảm 12,1%, MBB giảm 11,6%, HDB giảm 9%.
Tính đến ngày 3/7, các cổ phiếu mới lên sàn như Techcombank (4/6) giảm 36% và TPBank (19/4) đều giảm 19,8% so với thời điểm lên sàn.
Hiện ngân hàng vẫn đang là nhóm ngành có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán. Trong 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HOSE thì có 7 mã ngân hàng, gồm VCB, BID, CTG, TCB, VPB, MBB, HDB. Trong quý II, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã khiến VN-Index giảm khoảng 81 điểm, tương đương với 38% mức giảm của chỉ số này. Thậm chí, trong top 5 cổ phiếu kéo sập VN-Index nhiều nhất thì có tới 3 cổ phiếu ngân hàng (BID, VCB, CTG).
Trao đổi về diễn biến của cổ phiếu ngân hàng, ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu kinh tế của Công ty CP Chứng khoán MB nhận xét, giá cổ phiếu của một doanh nghiệp được quyết định chủ yếu bởi kết quả kinh doanh của chính doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, đây là yếu tố ảnh hưởng dài hạn, còn trong ngắn hạn giá cổ phiếu dao động xung quanh giá trị thực của nó vì nhiều yếu tố như cung – cầu, dòng tiền, tâm lý nhà đầu tư.