NĐT nước ngoài kêu “nặng gánh”
Theo Luật BHXH năm 2014, kể từ ngày 1/1/2018, người nước ngoài lao động tại Việt Nam phải đóng BHXH bắt buộc theo quy định. Chế độ BHXH đối với người lao động nước ngoài cũng bao gồm 5 chế độ giống với lao động Việt Nam, đó là: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí và trợ cấp tử tuất. Bên cạnh đó, mức đóng áp dụng cho cả người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài sẽ bằng với mức đóng áp dụng cho người lao động Việt Nam; cụ thể lần lượt là 8% đối với người lao động và 18% đối với người sử dụng lao động, dựa trên tiền lương và phúc lợi thực tế hàng tháng.
Với công thức này, Nhóm Công tác thương mại và đầu tư của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã đưa ra tính toán, một người lao động có mức lương 4.000 USD/tháng sẽ phải đóng tổng cộng 323,7 USD cho cả 3 loại BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. “Mức đóng trên là gánh nặng, nhất là nếu có bất kỳ vấn đề nào với việc lấy lại, nhận được tiền thanh toán và chuyển tiền về nước vào cuối thời hạn hợp đồng”, đại diện Nhóm Công tác thương mại và đầu tư nhấn mạnh.
Ông Michael Kelly – Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam bày tỏ lo ngại, những năm vừa qua, việc tăng lương cùng với chi phí bảo hiểm bắt buộc không hề làm cho năng suất lao động tăng. Kết quả là nhiều công ty tại Việt Nam đã bị suy giảm hiệu suất trên mỗi đôla đầu tư vào nguồn nhân lực. Đây là một yếu tố không bền vững. Với yêu cầu người lao động nước ngoài phải đóng góp vào quỹ BHXH của Việt Nam, ông Michael Kelly nhấn mạnh rằng càng khiến cộng đồng NĐT nước ngoài quan ngại vì chi phí tăng nhưng không có gì chứng minh việc lao động nước ngoài sẽ được hưởng lợi từ những đóng góp đó.
Cùng chung băn khoăn đó, Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đánh giá, gánh nặng của nhà tuyển dụng lao động về tiền BHXH tại Việt Nam hiện đang cao hơn rất nhiều so với các quốc gia láng giềng, gấp 1,9 lần Indonesia, 8,5 lần Philippines và 8,8 lần Thái Lan. Việc tăng gánh nặng của nhà tuyển dụng lao động sẽ có nguy cơ làm giảm năng lực cạnh tranh quốc tế của ngành công nghiệp, làm giảm sự đầu tư và đầu tư mới của các DN nước ngoài. Một cách trực tiếp hơn, đây sẽ trở thành nguyên nhân cản trở lớn khi phái cử chuyên gia nước ngoài sang làm việc và đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các NĐT nước ngoài cho rằng những quy định hiện hành cũng chưa đủ để đảm bảo cho người lao động được hưởng đầy đủ các quyền lợi tham gia BHXH. Theo đó, nguyên tắc cộng dồn thời gian phải tham gia BHXH không được dự thảo Nghị định điều chỉnh, và sẽ chỉ áp dụng với công dân của những quốc gia mà Việt Nam đã ký thỏa thuận song phương tránh đóng BHXH 2 lần. Như vậy, trường hợp người lao động nước ngoài đã tham gia BHXH ở nước của họ, nếu lại phải tham gia thì họ sẽ phải đóng tiền bảo hiểm 2 lần tại nước của họ và Việt Nam. Như vậy sẽ trở thành thiệt thòi đối với người lao động nước ngoài.
Hiện nay, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán hiệp định tránh đóng BHXH 2 lần với Đức, Hàn Quốc. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang xúc tiến trao đổi thông tin, triển khai đàm phán với Nhật Bản. Các hiệp hội DN nước ngoài cho rằng, việc cơ quan quản lý chưa hoàn tất đàm phán các hiệp định này đã vội áp dụng chế độ BHXH bắt buộc là quá đột ngột và thiếu thời gian chuẩn bị.
Trước thực tế này, JCCI đề xuất việc áp dụng chế độ BHXH với người lao động nước ngoài cần được thực hiện sau khi ký kết Hiệp định BHXH giữa 2 nước và phải có lộ trình. “Ngay cả trong trường hợp chuẩn bị cho đến khi ký kết hiệp định rồi mới thực thi thì chúng tôi cũng mong muốn có thời gian chuẩn bị đầy đủ, ít nhất là trên 4 năm”, đại diện của JCCI nêu quan điểm.
Khó thực hiện nhưng không thể bỏ qua
Từ phía cơ quan quản lý Việt Nam, quan điểm công bằng giữa 2 đối tượng người lao động trong nước và nước ngoài là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Ông Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho hay, chi phí sử dụng người lao động trong nước sẽ cao hơn người lao động nước ngoài nếu người lao động trong nước phải đóng BHXH bắt buộc, trong khi lao động nước ngoài thì không. Hơn nữa, đây cũng là một trong những biện pháp để bảo vệ người lao động trong nước.
Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc Cơ quan BHXH Việt Nam cũng nhấn mạnh, đây là vấn đề phức tạp, song cần khẳng định là nước nào cũng muốn quản lý người lao động đến làm việc tại nước mình. Hiện nay mỗi nước có quy định và thể chế khác nhau nên để thống nhất được việc đóng BHXH bắt buộc như thế nào là rất khó. Tuy nhiên, không thể vì khó mà không làm.
Đồng quan điểm như vậy, song theo ông Lê Quân – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, BHXH cho người nước ngoài sẽ được thực hiện trên nguyên tắc có lộ trình và không đánh trùng lặp. Theo đó, ông Quân khẳng định người lao động đã đóng BHXH ở các quốc gia thì sẽ không phải đóng ở Việt Nam. Ngoài ra, theo dự thảo nghị định về nội dung này, trước mắt sẽ áp dụng một số chế độ bảo hiểm ngắn hạn như thai sản, ốm đau và tai nạn lao động chứ chưa áp dụng đồng loạt cả 5 chế độ. Ông Quân cũng lưu ý rằng căn cứ đóng được giới hạn ở mức tối đa là gấp 20 lần mức lương cơ bản, tương đương khoảng 26 triệu đồng/tháng, chứ không đóng trên tổng thu nhập của người lao động.
Hiện ở Việt Nam có khoảng 62.000 người lao động nước ngoài có thể chịu tác động của chính sách này. Bộ LĐ-TB&XH khẳng định chính sách hướng đến đối tượng lao động có hợp đồng trên 1 năm, như vậy đảm bảo không đánh trùng lặp và người lao động công tác ổn định ở Việt Nam mới chịu tác động và sẽ tính toán để đảm bảo quyền lợi cho người lao động nước ngoài ở Việt Nam.