Bối cảnh hiện tại của thế giới được ví như đang trong một trận bão tố. Ai cũng hy vọng cơn bão này qua nhanh. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy, cuộc khủng hoảng toàn cầu lần này sẽ khó kết thúc sớm.
Khủng hoảng kép
Nền kinh tế thế giới đang hứng chịu những tổn thất nặng nề từ dịch virus corona chủng mới (COVID-19). Theo chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương, nguyên nhân là 3 hệ thống cấu thành nền kinh tế, phản ánh sinh khí đất nước gồm sự di chuyển của người dân, lưu chuyển hàng hóa, dòng chảy tiền tệ đều bị khựng lại dưới tác động của dịch COVID-19. Điển hình, khi Trung Quốc, Ý, Hàn Quốc… quyết định phong tỏa nhiều vùng có dịch, theo các nhà kinh tế tại Allianz, sự bùng phát và những nỗ lực ngăn chặn virus sẽ khiến xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ thế giới thiệt hại khoảng 320 tỉ USD mỗi quý. Trước mắt, các nhà kinh tế tính toán, chỉ sau 1 tháng phát dịch, kinh tế thế giới đã bị thiệt hại 1.000 tỉ USD.
Nền kinh tế toàn cầu đã bị sốc trước dịch COVID-19. Chuyên gia Trần Sĩ Chương nhấn mạnh cú sốc này không giống với các cú sốc trước. Nếu khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2007-2008 là cuộc khủng hoảng về sức cầu, với xuất phát điểm là bong bóng nhà đất, kéo theo những đổ vỡ tài chính, kinh tế ở Mỹ và thế giới thì cuộc khủng hoảng lần này là khủng hoảng kép: sốc cung lẫn sốc cầu.
Đầu tiên là về sốc cung. Khi dịch COVID-19 nổ ra ở Vũ Hán và Chính phủ Trung Quốc thực hiện các biện pháp chặn dịch nghiêm ngặt, hàng loạt nhà máy ở Trung Quốc đã phải ngừng hoạt động. Từ đây, các nhà sản xuất trên thế giới, trong mối quan hệ làm ăn chằng chịt với Trung Quốc cũng bị tê liệt theo. Đơn cử, dây chuyền sản xuất xe thể thao ở Michigan và Texas của General Motors (Mỹ) đã bị chậm lại vì thiếu phụ tùng Trung Quốc. Hay Hyundai Motor đã phải đóng cửa một số nhà máy ở Trung Quốc cũng như tạm dừng một trong những dây chuyền lắp ráp chính của Công ty tại Ulsan (Hàn Quốc) vì thiếu các bộ phận từ Trung Quốc. Điều này buộc các nhà sản xuất trên khắp thế giới vừa phải cắt giảm sản xuất, vừa suy tính những giải pháp mới. Không ít công ty đã cân nhắc việc di dời nhà máy đến nước khác. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn dự đoán, tăng trưởng GDP của các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc có thể sụt hơn 0,5 điểm phần trăm trong năm nay.
Ở khía cạnh lực cầu, như số liệu từ World Bank, năm 2018 Trung Quốc chiếm 30% thị phần thương mại toàn cầu, tăng mạnh so với mức 1,2% của năm 2000. Vì thế, theo Wall Street Journal, nhiều năm qua, không riêng gì sản xuất mà ngay tiêu dùng của Trung Quốc cũng đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng ở châu Á, Bắc Mỹ, châu Âu và các khu vực khác. Khi dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc, Apple đã phải đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc và ước tính không thể đạt được mục tiêu doanh thu trong quý I/2020. Thái Lan cũng dự tính lượng du khách năm nay có thể giảm 13% vì Trung Quốc hủy các tour du lịch.
Đến nay, khi dịch đã lan rộng ra nhiều quốc gia với hàng trăm ngàn người bị nhiễm bệnh, nỗi lo sợ càng gia tăng. Trong nửa đầu tháng 3, thế giới từng chứng kiến giá dầu thô Brent lao dốc mạnh, về 32,55 USD/thùng (13.3.2020), mức giảm lớn nhất kể từ Chiến tranh vùng Vịnh 1991. Cũng thời điểm này, sàn chứng khoán New York lần đầu tiên kể từ năm 1997 phải kích hoạt cơ chế ngừng giao dịch tự động trong 15 phút để nhà đầu tư ổn định tâm lý trở lại.
Rõ ràng, nền kinh tế thế giới đang phải cùng lúc gồng gánh 2 cú sốc tác động và cộng hưởng. Vì thế, ông Trần Sĩ Chương lưu ý, quá trình vực dậy thời hậu COVID-19 sẽ rất gian nan. Còn nhớ ở cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, tuy chỉ là cuộc khủng hoảng về sức cầu, nhưng Mỹ cũng đã mất 7 năm (2008-2015) mới có thể đưa đất nước ổn định trở lại. Ở lần khủng hoảng này, chuyên gia Trần Sĩ Chương đánh giá, để nền kinh tế phục hồi, thế giới cần rất nhiều thời gian.
Nỗi sợ lan rộng
Theo thông tin mới nhất, châu Âu, nhất là Ý đang trở thành tâm dịch COVID-19, thay thế cho tâm dịch Trung Quốc, Hàn Quốc… Tính đến ngày 19h30 ngày 13.3 (giờ Việt Nam), COVID-19 đã có mặt tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 137.658 ca nhiễm bệnh và 5.081 người tử vong. Ý đã nhanh chóng ghi nhận 15.113 ca nhiễm, Mỹ là 1.762 ca nhiễm. Số người nhiễm bệnh vẫn tăng lên từng giờ. Đại dịch này đã cho thấy một biểu đồ lượn sóng, lần lượt tấn công từng quốc gia, khu vực, hết đợt này tới đợt khác, khiến cho công tác chống dịch trở nên khó khăn và không biết bao giờ kết thúc.
Trang Politico cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13.3 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để tăng tốc ứng phó với dịch COVID-19. Theo ông Trump, việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sẽ giúp giải phóng thêm 50 tỉ USD ngân sách cho các bang chống dịch.
Trước diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, ông Yuen Kwok-yung, một trong những chuyên gia vi trùng học hàng đầu Hồng Kông, đánh giá, dịch COVID-19 sẽ khó có thể chấm dứt trong năm 2020. “Chưa kể sẽ có những ca nhiễm ngược trở lại quốc gia đã kiểm soát dịch bệnh thành công”, ông Yuen Kwok-yung lưu ý. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng khẳng định, chưa biết được khi nào thế giới có thể khống chế được dịch COVID-19, kể cả vào mùa hè. Trong bối cảnh đó, chuyên gia Trần Sĩ Chương cho rằng, các doanh nghiệp cần tính đến những kịch bản trường kỳ kháng chiến hơn là hy vọng dịch COVID-19 sẽ sớm qua đi.
Ngọc Thủy