Trước đó, ngày 14/4/2015, ĐHCĐ của hai ngân hàng đều đã chấp thuận thông qua giao dịch sáp nhập PG Bank vào VietinBank. Đến ngày 22/5, hai bên đã chính thức ký kết hồ sơ sáp nhập nhằm tiến tới thực hiện các bước đi cần thiết theo lộ trình sáp nhập, dự kiến sẽ hoàn thành vào quý III/2015.
Đây là giao dịch sáp nhập điển hình có sự tham gia trực tiếp của ngân hàng gốc quốc doanh với một ngân hàng nhỏ, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án 254 về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trước mốc hẹn cuối năm 2015.
Vướng thủ tục hành chính
Thương vụ sáp nhập PGBank vào Vietinbank nhận được sự đồng thuận từ phía cổ đông, lãnh đạo ngân hàng và phía Ngân hàng Nhà nước nên khá suôn sẻ bước đầu tiên.
Tuy nhiên, tại hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh ngày 6/1/2016, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank, cho biết quá trình sáp nhập đã không thể hoàn thành trong năm 2015 như dự tính ban đầu do gặp vướng mắc ở khâu thủ tục hành chính. Hiện nay, hai ngân hàng vẫn đang tích cực triển khai các công việc, sớm hoàn thành thủ tục sáp nhập để PGbank về chung một nhà với VietinBank.
Ông Thắng nhấn mạnh sự chậm trễ của thương vụ sáp nhập này là do “yếu tố khách quan”, nhưng sẽ hoàn tất trong quý I/2016. Từ đây sẽ mở ra cơ hội phát triển tốt hơn cho PGBank và Vietinbank, tạo ra giá trị thặng dư lớn hơn cho các cổ đông, ngân hàng sau sáp nhập.
Được biết, khi sáp nhập, Vietinbank sẽ tăng quy mô tổng tài sản thêm 25.000 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng thêm 3.000 tỷ đồng lên 40.000 tỷ đồng. Đồng thời, với việc ký kết thoả thuận hợp tác toàn diện với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)- cổ đông chiến lược của PGBank trong tối thiểu 10 năm để nhắm tới thị trường tiêu dùng cá nhân “màu mỡ”.
Với những lợi ích và giá trị gia tăng từ thương vụ sáp nhập này, ngân hàng VietinBank đã thực hiện rốt ráo các thủ tục theo lộ trình gồm: xin NHNN chấp thuận nguyên tắc và chấp thuận chính thức giao dịch sáp nhập hai ngân hàng, gửi hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán đăng ký phát hành thêm cổ phiếu CTG để hoán đổi toàn bộ cổ phần PGbank, thực hiện hoán đổi cổ phiếu và tiếp nhận toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ của PG Bank… Các thủ tục pháp lý cho quá trình sáp nhập cần được hoàn thành đầy đủ, hợp lệ.
Đến thời điểm này, Vietinbank vẫn chưa công bố thông tin về tiến độ hoàn thành các thủ tục nêu trên. Phía NHNN cũng chưa có thông báo chấp thuận giao dịch sáp nhập, để làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
Sốt ruột với công ty tài chính
Cùng thời điểm Vietinbank nhận sáp nhập PGbank, trong nửa cuối năm 2015, một số tổ chức tín dụng khác cũng tiến hành các thương vụ sáp nhập rất mau lẹ, như: BIDV nhận MHB, MaritimeBank nhận MekongBank, và mới đây nhất là Sacombank “ôm” Southernbank, MB nhận công ty tài chính Sông Đà…
Định hướng sáp nhập của một số ngân hàng là nhằm khai thác, mở rộng kinh doanh vào mảng tín dụng tiêu dùng. Theo đó, ngân hàng sẽ thành lập mới một công ty tài chính độc lập để kinh doanh chuyên biệt tín dụng tiêu dùng.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, NHNN đã siết chặt việc mở mới các công ty tài chính do hệ luỵ rủi ro nợ xấu lớn, tín dụng tăng trưởng nóng, gây mất an toàn…
Do đó, việc nhận sáp nhập một ngân hàng nhỏ, công ty tài chính sẽ là “tấm vé tốc hành” để ngân hàng sở hữu một công ty tài chính riêng.
Trong kế hoạch sáp nhập PGBank, Vietinbank cũng muốn biến nhà băng này thành một công ty tài chính VietinPG Finance có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
Công ty này sẽ phục vụ chuyên biệt nhóm khách hàng của Petrolimex và cá nhân tại hệ thống cây xăng. Vì thế, việc sáp nhập bị chậm trễ, kéo dài sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển công ty tài chính của Vietinbank.
Chia sẻ về những dự định hậu sáp nhập, Chủ tịch Nguyễn Văn Thắng nói rằng Vietinbank được thừa hưởng nhiều quyền lợi nhờ mạng lưới khách hàng phủ rộng cả nước của PGBank cùng hệ thống hơn 6.200 cửa hàng, đại lý xăng dầu của Petrolimex. Đây chính là thị trường tiềm năng mà Vietinbank có thể đẩy mạnh các dịch vụ tài chính cho Petrolimex và nhóm khách hàng đông đảo.
Theo ông Thắng, Vietinbank sẽ phải triển khai rất nhiều công việc hậu sáp nhập để tiếp nhận, chuyển giao, sắp xếp lại bộ máy nhân sự, hoạt động. Đặc biệt, ngân hàng có trách nhiệm và nghĩa vụ tiếp nhận toàn bộ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của PG Bank, xử lý vấn đề phát sinh…
Vấn đề mất nhiều thời gian nhất là hoà nhập hai hệ thống ngân hàng vào làm một. Trong đó, sắp xếp hoạt động kinh doanh tương thích giữa các mảng nghiệp vụ, bố trí nhân sự điều hành, chuyển đổi và tích hợp hệ thống dữ liệu tương đồng… Việc tích hợp hệ thống sẽ hoàn thành trong 6 tháng, chậm nhất là 9 tháng.
Cùng lúc phải xử lý nhiều công việc sáp nhập PGbank khó khăn, Vietinbank lại được NHNN chỉ định hỗ trợ tái cơ cấu, xử lý hai ngân hàng 0 đồng yếu kém là OceanBank và GPBank được “quốc hữu hoá” trong năm 2015.
Cuối năm vừa qua, Vietinbank tiếp tục phải hỗ trợ DongABank tái cơ cấu, ổn định hoạt động khi bị đưa vào diện “kiểm soát đặc biệt”. Việc phải hỗ trợ tới 4 ngân hàng tái cơ cấu cùng lúc có lẽ là nhiệm vụ nặng nề với Vietinbank.