Không thể đảo ngược
Các chuyên gia đến từ nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các công ty Fitech trong nước và quốc tế, đại diện nhà quản lý… đã chia sẻ góc nhìn về hiện trạng cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động tới thị trường tài chính Việt Nam ra sao, tại hội thảo: Sự phát triển thị trường tài chính trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 và sự ảnh hưởng tới thị trường tài chính Việt Nam, do Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổ chức cuối tuần qua.
Thực tế cho thấy, công nghệ đang làm thay đổi xu hướng phát triển của thị trường tài chính toàn cầu, cũng như cách thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Điều này cũng đang tác động rõ nét tới thị trường tài chính Việt Nam.
Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lan tỏa trên phạm vi toàn cầu, yếu tố công nghệ, đặc biệt là công nghệ mới đang và sẽ có những tác động lớn đến sự thay đổi và phát triển của thị trường tài chính nói chung, thị trường trái phiếu Việt Nam nói riêng.
Để gia tăng quy mô của thị trường tài chính Việt Nam trong bối cảnh mới, thì sự phát triển của thị trường trái phiếu đóng vai trò quan trọng. Điều này đòi hỏi sự hợp sức của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, VBMA… trong ban hành, thúc đẩy triển khai các giải pháp phát triển thị trường tích cực, lành mạnh trong thời gian tới.
“Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động nhanh và mạnh tới thị trường tài chính toàn cầu, cũng như Việt Nam. Điều này là không thể đảo ngược…”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký VBMA chia sẻ.
Ông phân tích, quá trình tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới thị trường tài chính thể hiện qua sự thay đổi hình thái hợp tác giữa các tổ chức tài chính và các công ty Fitech. Ban đầu hai bên không hợp tác.
Nguyên nhân là do các tổ chức tài chính đánh giá thấp công ty Fitech vì quy mô nhỏ (thường là các công ty startup với vốn khởi nghiệp nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp). Tuy nhiên, theo thời gian, sự phát triển của các các công ty Fitech khiến các ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nhận thấy bị đe dọa.
Ở giai đoạn thứ hai này, các tổ chức tài chính coi các công ty Fitech là đối thủ cạnh tranh. Hình thái hợp tác giữa tổ chức tài chính với công ty Fitech ở giai đoạn hiện nay là chặt chẽ. Thậm chí, với tiềm lực tài chính lớn, các tổ chức tài chính đang tính đến mua các công ty Fitech đang hoạt động hiệu quả.
Trong bối cảnh như vậy, ý kiến từ chuyên gia cho rằng, cách mạng 4.0 đang mang lại những cơ hội phát triển mới cho thị trường tài chính Việt Nam. Với nền kinh tế năng động, dân số trẻ, tỷ lệ ứng dụng công nghệ thông tin trong nền kinh tế nói chung, thị trường tài chính nói riêng cao, tiềm năng cho phát triển các sản phẩm tài chính dựa trên nền tảng công nghệ thông tin với Việt Nam đang lớn. Điều này phần nào thể hiện qua xu hướng hợp tác giữa các tổ chức tài chính và các công ty Fitech ngày càng chặt chẽ…
Thách thức
Bên cạnh cơ hội phát triển mới, cách mạng 4.0, theo nhìn nhận của các chuyên gia đang đặt ra không ít thách thức cho thị trường tài chính Việt Nam.
Để phát triển các sản phẩm tài chính dựa trên nền tảng công nghệ, thì điều quan trọng đầu tiên là các tổ chức tài chính phải chọn được phân khúc khách hàng, định vị rõ chiến lược phát triển sản phẩm, sau đó phải số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu, tiếp đến là phải chuẩn hóa quy trình và tự động hóa quá trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ.
Để hiện thực hóa các bước này, thách thức lớn mà các tổ chức tài chính phải đối mặt là phải đầu tư nguồn lực tài chính cho phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ. Nếu không có chiến lược khách hàng và sản phẩm rõ ràng, thì các tổ chức tài chính dễ rơi vào tình trạng đầu tư dàn trải rất tốn kém nguồn lực tài chính, nhưng hiệu quả mang lại không cao.
Cái khó tiếp theo là về mặt kỹ thuật. Đó là sau khi chọn được phân khúc khách hàng và định hình chiến lược sản phẩm, câu hỏi đặt là các công ty tài chính phải thu thập dữ liệu ở đâu cho đảm bảo chính xác, kịp thời, tin cậy để số hóa dữ liệu trước khi thành công trong thực hiện tự động hóa quá trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ? Chuyên gia quan ngại, chất lượng dữ liệu ở Việt Nam còn nhiều yếu kém về tính đầy đủ, kịp thời, chính xác.
“Nhà đầu tư nước ngoài khi chia sẻ với chúng tôi, họ rất ngạc nhiên là tại sao chúng tôi lại có thể kinh doanh trái phiếu, nhất là trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam, khi mà không biết thu thập dữ liệu về thị trường từ đâu…”, ông Dan Svensson đến từ Dragon Capital chia sẻ.
Một cái khó nữa với thị trường tài chính Việt Nam khi đối mặt với “bão” cách mạng công nghiệp 4.0 là thách thức trong chuẩn hóa quy trình và chính sách. Ông Quỳnh cho biết, việc này khó vì nhiều quy định pháp lý đang can thiệp vào quy trình hoạt động của các tổ chức tài chính.
Ví dụ khi một khách hàng muốn đến ngân hàng mua ngoại tệ, theo quy định hiện hành, ngân hàng thương mại phải kiểm tra chứng từ để đảm bảo chứng minh nhu cầu của bên mua là hợp pháp và hợp lệ, thì ngân hàng mới được bán. Trong khi máy móc không thể kiểm tra chứng từ kiểu này. Điều đó đòi hỏi khung pháp lý phải thay đổi để tạo sự đồng bộ, tiếp sức cho các tổ chức tài chính chủ động và hiệu quả hơn khi đối mặt với “bão” 4.0…