Sơn Hà có vị thế hàng đầu ở Việt Nam về sản xuất các sản phẩm Inox. Sản phẩm bồn nước chiếm 35% thị phần, chậu rửa chiếm 40% thị phần và Ống thép công nghiệp chiếm 85% thị phần, ống thép trang trí chiếm 30% thị phần. Đây là điều kiện để Sơn Hà luôn duy trì mức tăng trưởng doanh số 2 con số trong 4 năm qua, trung bình đạt 24%/năm. Sơn Hà có cơ hội để gia tăng thị phần trong các năm tới do tiềm năng tăng trưởng của các sản phẩm này còn rất lớn.
Bồn nước và Chậu rửa Inox đang tăng trưởng mạnh nhờ mở rộng sang khu vực nông thôn: Ước tính khoảng 21.800 tỉ đồng sẽ được đầu tư cho các dự án cấp nước cho mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm Bồn nước và Chậu rửa do đó sẽ tăng cao trong các hộ gia đình ở khu vực nông thôn. Đây được đánh giá là thị trường tiềm năng để Sơn Hà tăng trưởng thị phần và doanh số trong các năm tiếp theo. Tuy nhiên các thị trường tiêu thụ ở nông thôn cũng yêu cầu mức đầu tư cao cho phương tiện và chi phí vận chuyển đến các đại lý tiêu thụ.
Sản phẩm ống thép có tiềm năng tăng trưởng lớn: International Stainless Steel Forum (ISSF) dự đoán tiêu thụ thép không gỉ toàn cầu năm 2011 có thể tăng 8.3%. Tại Việt Nam theo đánh giá hiện các nhà sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu thị trường. Lượng tiêu thụ thép không gỉ/ đầu người tại Việt Nam hiện vào khoảng 3 kg, trong khi đó tại các nước phát triển con số này trên 20 kg, tại Trung Quốc là 6.7kg.
Lợi nhuận 2011: Chúng tôi dự báo, doanh thu của Sơn Hà sẽ đạt 1859 tỷ trong năm 2011, tăng 25%. Mặc dù vậy lợi nhuận hoạt động của công ty sẽ giảm 32% so với năm 2010 xuống còn 62 tỷ đồng do các chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí tài chính và chi phí quản lý tăng mạnh.
Định giá hấp dẫn: Cổ phiếu SHI hiện đang được thị trường định giá ở mức PE 3.9 lần và PB là 0.6 lần. EPS dự kiến năm 2011 của Sơn Hà là 1,800 đồng, PE forward là 5,4 lần. Mức định giá này thấp hơn khoảng 50% so với mức PE forward trung bình của thị trường, khoảng 12 lần
Giá cổ phiếu đã giảm đến 65% trong vòng 1 năm qua khi VNIndex chỉ giảm khoảng 20%. Đây là mức giá hấp dẫn nếu dựa trên mức giá mà các cổ đông lớn của SHI đã mua vào trong đợt phát hành tăng vốn từ 150 tỷ lên 250 tỷ trong năm 2010 (khoảng 18,000 đồng/cp) và tiềm năng tăng trưởng của Sơn Hà. Việc ban lãnh đạo công ty sở hữu 12.6 triệu cổ phiếu tương đương 50% thể hiện cam kết với các cổ đông bên ngoài của công ty.
Rủi ro đầu tư vào SHI bao gồm: (1) sự phụ thuộc của công ty vào nguồn nguyên liệu thép không gỉ nhập khẩu, vốn chiếm đến 90% giá vốn và có xu hướng tăng trong các năm qua; (2) sự biến động của tỷ giá ảnh hưởng lớn đến chi phí tài chính của công ty, riêng năm 2010 lỗ do chênh lệch tỷ giá là 26 tỷ đồng (bằng 28% lợi nhuận sau thuế); (3) chính sách chống bán phá giá của nhà nhập khẩu Mỹ, thị trường đang chiếm 70% doanh thu ống thép công nghiệp của Sơn Hà.
Tóm lại, chúng tôi đánh giá SHI là một cổ phiếu phòng thủ. Công ty có mô hình kinh doanh phát triển bền vững dựa trên nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân. Với vị thế thị phần hiện tại ở các sản phẩm Bồn nước, Chậu rửa và ống thép, Sơn Hà hoàn toàn có thể tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao trong các năm tới. Tiềm năng tăng trưởng dài hạn của công ty gắn với sản phẩm Thái Dương Năng, đây sẽ là xu hướng tiêu dùng trong tương lai gần khi các sản phẩm tương tự được thay thế.
Liên hệ với tác giả để trao đổi về nội dung và nhận báo cáo chi tiết, email:tuan.nguyen@stoxplus.com hoặc download
Liên hệ với StoxPlus về dịch vụ báo cáo phân tích độc lập qua email: research@stoxplus.com