Kinh doanh thảm hại nhất là các công ty chứng khoán. Đến nay, có quá nửa công ty chứng khoán, quản lý quỹ thua lỗ, theo thống kê của Ủy ban chứng khoán.
Ở hầu hết các công ty, hoạt động môi giới, tư vấn, đầu tư đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, bởi diễn biến thị trường chứng khoán ngày một xấu đi. Nếu quý II năm ngoái, trung bình một phiên 4.000-5.000 tỷ đồng là chuyện thường, thì ở năm nay, con số này hầu như không có mà chỉ tầm 1.000 tỷ đồng, thậm chí thấp hơn. Với lượng giao dịch vài trăm tỷ mỗi phiên, chia đều cho khoảng 100 công ty chứng khoán, doanh số giao dịch ở mỗi công ty thời gian qua chẳng là bao.
Công ty chứng khoán Đà Nẵng (DNSC), doanh thu môi giới quý II chỉ 590,95 triệu, chênh lệch lớn so với cùng kỳ (3,47 tỷ), hoạt động tư vấn chỉ mang lại 65 triệu, thay vì 347,9 triệu, hoạt động đầu tư chứng khoán, góp vốn bằng một phần sáu cùng kỳ… DNSC lỗ 2,1 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Ở Công ty chứng khoán Artex, doanh thu quý II có 2,44 tỷ nhưng chi phí gấp đôi, đưa tới mức lỗ 7,67 tỷ trong quý này và lũy kế 6 tháng âm 22,19 tỷ.
Điều này cũng không ngoại lệ với công ty có thị phần môi giới hàng đầu ở HOSE 6 tháng qua là SSI. Theo số liệu ước tính, lũy kế 6 tháng, SSI đạt doanh thu 418 tỷ nhưng chi phí tới 506,84 tỷ, đưa tới mức lỗ trước thuế 88,1 tỷ.
Chỉ một số ít công ty chứng khoán báo lãi, song cũng không lời bao nhiêu. Chứng khoán Xuân Thành lãi 1 tỷ, nhưng kết quả này chỉ bằng một phần sáu cùng kỳ. Chứng khoán Maritime nhờ hoạt động đầu tư chứng khoán, góp vốn tới 17,98 tỷ (tăng hơn 10 lần cùng kỳ), mới đưa tới mức lãi quý II là 4,6 tỷ. Hay trường hợp của FPTS, tuy lãi 42,82 tỷ, nhưng cũng không bằng năm ngoái (68,23 tỷ) và xuất phát chủ yếu từ hoạt động tư vấn (đóng góp tới 72,25 tỷ).
Trong khi đó, các doanh nghiệp niêm yết cũng đã trải qua kỳ kinh doanh không hề yên ả trước áp lực lạm phát, lãi suất, cung tiền thắt chặt…
Mới đầu tháng 6, nhưng CII đã dự đoán gần như cầm chắc cái lỗ trong quý II, dù quý đầu năm vẫn có lời 59,2 tỷ. Căn cứ đưa ra dự báo này đặt trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi vay tăng mạnh, chi phí tài chính tăng… và điều này còn kéo dài trong thời gian tới.
Hay trường hợp của Công ty cổ phần Basa (BAS) dự kiến mức lỗ trong quý II sẽ cao hơn nữa, chứ không dừng lại ở 3,17 tỷ như quý I. Đây là điểm đáng chú ý so với mọi năm. Bởi doanh nghiệp không ngần ngại nêu thực trạng kém sáng sủa và công khai với nhà đầu tư, dù mới đi hai phần ba thời gian của quý II.
Tuy vậy, vẫn có những điểm sáng le lói ở đầu mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh nửa năm, nhất là ngành cao su. Hiện tại, Phước Hòa (PHR) và Hòa Bình (HRC) đã hoàn thành hơn nửa chặng đường. Trong đó, PHR dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 168 tỷ đồng ngay trong quý III.
PV Drilling ước tính 6 tháng đã vượt các chỉ tiêu đề ra và tăng trưởng cao so với cùng kỳ. PVD có doanh thu 4.000 tỷ đồng, đạt 50% so với kế hoạch, lợi nhuận trên 500 tỷ, hoàn thành hơn 55% chỉ tiêu đề ra. Trong khi đó, BMC đã vượt kế hoạch 21%, khi ghi nhận lãi trước thuế 6 tháng tới 33,9 tỷ đồng.
Đến ngày 13/7, chỉ mới có 2 công ty niêm yết có báo cáo tài chính quý II được công bố trên website của HOSE là BMC và VFMVF1. Tình trạng hoan hỉ báo lãi với nhà đầu tư như đầu mùa công bố kinh doanh ở các năm trước cũng không diễn ra. Và điều này được nhìn thấy từ trước nên theo giới chuyên gia chứng khoán, nhà đầu tư đã có sự chuẩn bị về mặt tâm lý.
Ông Phạm Kinh Luân, chuyên gia chứng khoán độc lập nhìn nhận: “Những công ty đã lỗ trong quý I thì coi như cầm chắc cái lỗ trong quý II. Còn nếu quý đầu năm có lãi chút ít hoặc mức lãi chẳng là bao so với cùng kỳ thì sang quý II may mắn lắm cũng chỉ hòa vốn”.
Theo ông, dễ nhận thấy nhất là doanh thu tăng lên không bao nhiêu nhưng chi phí đã đội lên gấp đôi, ba lần so với trước đây. Lợi nhuận do vậy giảm xuống, chưa kể nếu dùng tiền vay lại phải trả lãi với mức “cắt cổ”. Do đó, doanh nghiệp kinh doanh trong điều kiện hết sức khó khăn và không lấy làm lạ nếu sắp tới hàng loạt công ty công bố thua lỗ hoặc sản xuất cầm chừng.
Mặc khác, dòng tín dụng không hề dễ dãi. Lãi suất cao nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng vay được và càng khó chảy vào chứng khoán. Như vậy, thị trường chứng khoán sẽ kéo dài tình trạng èo uột, cổ phiếu các ngành khó tạo sức bật trong thời gian tới và bản thân doanh nghiệp chưa hết khó khăn.
Ông Nguyễn Thành Hải, Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán Sacombank ước tính, doanh nghiệp phải đạt 30-40% kế hoạch ở quý II, mới mong tới cuối năm hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Song, hiện tại, bức tranh qúy II ảm đạm, khi mới một vài doanh nghiệp công bố nhưng đã không cho tín hiệu lạc quan.
Ngoài ra, việc CPI tháng 7 có thể tăng cao trở lại do giá nhiều mặt hàng biến động mạnh, khả năng giá vàng và dầu thế giới biến động mạnh… càng tạo áp lực lạm phát trong những tháng còn lại. Chính vì vậy, ông Hải cho rằng, chính sách thắt chặt tiếp tục duy trì tới cuối năm. Thậm chí, rất có thể cuối quý II, đầu quý III, hàng loạt doanh nghiệp sẽ xin điều chỉnh giảm kế hoạch doanh thu, lợi nhuận, bởi kinh doanh quá khó khăn.
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán ở TP HCM bình luận thêm, thông thường 2 quý cuối năm là thời điểm để các công ty gỡ gạc lại, bù đắp các khoản lỗ ở 2 quý đầu. Bởi quá khứ cho thấy, 6 tháng cuối năm, thị trường chứng khoán thường có sóng lớn. Song, điều này sẽ khó lặp lại trong thời gian tới, bởi áp lực lạm phát gia tăng, khó kiểm soát.
“Bản thân công ty chứng khoán hoạt động rất khó khăn, hòa vốn đã là may, chứ không dám kỳ vọng có lãi trong năm nay. Doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, bất động sản gần như tê liệt”, ông chia sẻ. Theo ông, việc tìm kiếm khách hàng hết sức khó khăn, nhiều bộ phận rỗi việc, thậm chí cũng chẳng phải biết làm gì trong thời buổi kinh doanh khó khăn như hiện nay.