Tâm lý bi quan trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới đã khiến các thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục giảm mạnh trong tuần qua, đẩy chỉ số VN-Index xuống sát ngưỡng 880 điểm, giảm mạnh hơn so với dự báo của tuần trước đó. Tuần tới cũng là tuần khởi đầu tháng 3, thị trường liệu có những chuyển biến tích cực hơn không, theo cảm nhận của các ông?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
Tôi nghĩ là khó dự báo theo hướng tích cực. VN-Index có thể giảm thêm. Dịch Covid-19 đang lan khắp thế giới, và quan trọng nhất là lan ở Mỹ. Nếu nền kinh tế này được dự báo chịu thiệt hại tương tự như những dự báo được đưa ra cho Trung Quốc, Nhật, Hàn quốc hay EU, thì chả có lý do gì mà không nói kinh tế Việt Nam chịu ít thiệt hại.
Cho đến lúc này, thông tin tích cực về bản chất có thể giúp chứng khoán toàn cầu đi lên, là thông tin về vắc xin chống virus. Theo thông tin lẻ tẻ thì 1 số nước đã có vắc xin, nhưng để sử dụng đại trà thì có lẽ phải chờ thêm.Tôi rất mong thông tin như thế đến trong tháng 3 này, nhưng tuần tới thì chắc là chưa.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta
Trong tuần qua tiếp tục ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của dịch bệnh virus Corona, thị trường tiếp tục đà giảm mạnh, mức thấp nhất của chỉ số VN-Index cũng đã rơi về gần vùng đáy đầu năm 2019.
Điểm tích cực tôi đánh giá là cơ hội giải ngân mới ở nhóm cổ phiếu Largecaps lại có dấu hiệu gia tăng cho thấy thị trường đã có những dấu hiệu cân bằng cho nên tôi đánh giá thị trường có thể sẽ hồi phục trong tuần giao dịch tới.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Sau 1 tháng bùng phát đầu tiên dịch cúm Covid 19 đã chuyển sang giai đoạn mới lây lan theo diện rộng tại nhiều quốc gia tạo nên nhiều mối lo ngại mới. Đơn cử tại Việt Nam khởi đầu chúng ta chỉ phải giám sát người từ Trung Quốc nhưng hiện tại có thêm từ Hàn Quốc và sắp tới có thể thêm nhiều nước.
Cuộc chiến chống dịch đang bước vào giai đoạn quyết định cần có sự nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế chứ không còn chỉ riêng của Trung Quốc. Việc căng mình chống dịch tổn hao nhiều nguồn lực trong nước trong khi càng làm cho cánh cổng giao thương chúng ta thu hẹp lại.
Thị trường trong nước vốn rất nhạy cảm vì vậy trong tuần vừa qua đã bắt đầu ngấm những thông tin tiêu cực chung của thị trường quốc tế. Tôi cho rằng ít nhất trong 2 tuần đầu tháng 3 thị trường sẽ còn điều chỉnh mạnh và chúng ta sẽ chưa thể xác định chính xác đáy thị trường sẽ ở đâu cho đến khi tình hình dịch cúm có tín hiệu kiểm soát hiệu quả.
Bất chấp những bất ổn của thị trường, cổ phiếu SHB đã ghi nhận 3 phiên tăng trần liên tiếp, trở thành tâm điểm chú ý của thị trường. Cùng với đó là sự khởi sắc của SHS. Các ông có góc nhìn như thế nào về bộ đôi cổ phiếu này ở thời điểm hiện tại?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
SHB đang trong giai đoạn phát hành cổ phiếu, cụ thể là cổ tức bằng cổ phiếu và quyền mua cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/CP. Theo thông báo mới nhất, SHB đã phát hành cổ phiếu trả cổ tức, nhưng đối với quyền mua cổ phiếu mới thì đến giờ vẫn chưa đến hạn chót đóng tiền mua. Nói cách khác, ngay cả lãnh đạo SHB cũng chưa biết sẽ có bao nhiêu người đóng tiền mua cổ phiếu mới, và tổng số cổ phiếu mới sẽ là bao nhiêu.
Lưu ý rằng lúc này thị giá cổ phiếu SHB vẫn thấp hơn giá phát hành cổ phiếu mới, như vậy vẫn có nhiều khả năng có người sẽ bỏ quyền. Để người mua “yên tâm” đóng tiền, thông thường (nhưng không phải là chắc chắn), thị giá (trước điều chỉnh) cần cao hơn giá phát hành.
Tuy nhiên tôi nghĩ vấn đề ở đây là tâm lý, vì đối với những ai có giá vốn SHB trên dưới 8.000 đồng/CP chẳng hạn, dù phải đóng tiền mua quyền giá 10.000 đồng/CP thì đến giờ đã lời trên tài khoản, vì theo tôi tính toán thì thị giá bây giờ đã cao hơn giá vốn (đã điều chỉnh) của họ. Do đó tôi dự đoán có lẽ họ đang chốt lời 1 phần, nhưng giá cổ phiếu SHB vẫn được kéo, có thể vì vấn đề tâm lý đã nói ở bên trên.
Trừ phi SHB là ngân hàng thuộc 1 trong 2 ngân hàng được phép nới room lên 49% theo như thông tin từ EVFTA, tôi chưa thấy lý do nào khác hỗ trợ việc tăng giá cổ phiếu SHB 3 phiên qua. Tôi cũng không nghĩ SHB rẻ hơn nhiều cổ phiếu ngân hàng khác đang niêm yết, để đến giờ nhà đầu tư nhân ra và đổ xô mua, bất chấp TTCK đang giảm vì thông tin dịch Covid-19. Như vậy, tôi nghĩ lúc này mua đuổi SHB là đánh cược, và có rủi ro.
Đối với SHS, cổ phiếu này tăng giá theo hiệu ứng SHB vì đơn giản trong danh mục tự doanh của SHS có không ít cổ phiếu SHB mà thôi.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta
Trong thời gian qua, cổ phiếu SHB đã tăng ngược với diễn biến của thị trường và đây cũng là cổ phiếu ngân hàng tăng tích cực duy nhất khi trước đó nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng mạnh.
Nhìn vào các yếu tố tăng trưởng, tôi đánh giá tăng trưởng cơ bản của SHB chỉ ở mức TRUNG TÍNH và kém hơn so với các ngân hàng khác, chính yếu tố tăng giá mới là động lực tạo xu hướng chính cho cổ phiếu này cho nên đà tăng của cổ phiếu mang tính chất “đầu cơ” cao và tính bền vững sẽ khó duy trì cho nên các nhà đầu tư cần tiết chế việc mua đuổi ở những phiên tới.
Còn đối với cổ phiếu SHS thì ưu điểm nổi bật là tính cơ bản của cổ phiếu này tích cực hơn so với cổ phiếu SHB. Tuy nhiên, tôi đánh giá nhóm ngành dịch vụ tài chính sẽ còn khó khăn trong năm 2020, đặc biệt là khi tình hình thanh khoản của TTCK sẽ còn giảm do ảnh hưởng từ dịch bệnh cho nên diễn biến giá của SHS sẽ không quá thuận lợi trong năm nay.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
SHB là câu chuyện đặc biệt và dĩ nhiên trên sàn có nhiều cổ phiếu có kiểu đi ngược mà điển hình là trong đợt vừa rồi là VPB, PHR, DRH, YEG … đều có những câu chuyện riêng. Trong một thị trường khó khăn vẫn có những cổ phiếu “sống” được ngắn hạn và dĩ nhiên dòng tiền sẽ đổ dồn vào để bù vào những mất mát ở những cổ phiếu khác.
SHB đã có thời gian tích lũy khá lâu gần 2 năm vì vậy khi tăng tốc tạo đột biến mạnh. Nhà đầu tư cần lưu ý vùng kháng cự của SHB quanh 11 là mốc cao nhất trong 10 năm của SHB vì vậy trong tuần sau sẽ có nhiều phiên rung lắc mạnh khi giá tiến về vùng này.
UBCKNN đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán ra công chúng cho quỹ hoán đổi danh mục ETF VFMVN DIAMOND quản lý bởi CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM). Quỹ này sẽ IPO vào 3/3 tới. Một số tổ chức đã dự báo VFM sẽ huy động được vốn cho ETF VFMVN DIAMOND với quy mô 1.000 tỷ đồng (khoảng 42,5 tỷ USD). Điều này có tạo thêm động lực cho thị trường?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
Tôi nghĩ là có. Cổ phiếu Diamond là những mã vốn hóa lớn và hết room ngoại, do đó được kỳ vọng thu hút thêm tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả ETFs.
Tất nhiên là còn phải chờ xem thực sự công ty quản lý quỹ sẽ huy động được bao nhiêu tiền (tiền nhiều mới tạo ra động lực cho thị trường), nhưng lúc này những cổ phiếu trong nhóm có thể tăng giá vì yếu tố tâm lý. Nếu thị trường không suy giảm kéo dài vì dịch Covid-19, tôi nghĩ nhà đầu tư nên theo dõi những cổ phiếu trong nhóm này thường xuyên.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta
Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên thị trường cơ sở và dự kiến sẽ còn tiếp tục xu hướng rút ròng này do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Tuy nhiên, việc đi vào vận hành hai quỹ ETF mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các cổ phiếu đã full room ngoại, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Đồng thời, sản phẩm ETF cũng được đa dạng hơn khi hiện nay TTCK VN có rất ít sản phẩm ETF khi mà dòng tiền đang có xu hướng rút ra khỏi các quỹ đóng và quỹ mở để dịch chuyển vào các quỹ ETF có tính linh động tốt hơn và theo xu hướng thị trường.
Do đó, tôi đánh giá tích cực và kỳ vọng dòng tiền của khối ngoại sẽ sớm quay trở lại thị trường thông qua các kênh ETF trong thời gian tới, điều này sẽ tạo động lực tích cực cho thị trường.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Theo thống kê thì chỉ số VN Diamond Index trong giai đoạn rung lắc thị trường vừa qua vẫn giữ hiệu suất cao và trong giai đoạn VN-Index rơi hơn 6,5% kể từ sau tết thì chỉ số này vẫn xanh nhẹ hơn 1,5%.
Nhờ có tỷ trọng lớn là nhóm cổ phiếu ngân hàng nên khả năng thời gian tới thị trường vẫn sẽ hướng sự chú ý đến nhóm ngành này. Cũng cần thấy rằng khi kinh tế khủng hoảng thì ngành ngân hàng trở thành trọng điểm bơm vốn khôi phục kinh tế và nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào ngành này nhiều nhất.
Một số nhà đầu tư lựa chọn “án binh bất động” ở thời điểm này vì cho rằng việc giải ngân không khác gì “bắt dao rơi”. Còn chiến lược của các ông?
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt
Dịch Covid-19 cho đến lúc này vẫn được so sánh với dịch SARS 2003, và ở góc độ Việt Nam (chịu ít thiệt hại về góc độ y tế) thì tôi cho là vẫn nhiều người lạc quan, rằng cổ phiếu Việt Nam giảm thái quá vì yếu tố tâm lý. Điều này có thể được chứng minh ở yếu tố thanh khoản, khi giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên sàn HOSE, trong tháng 2 vẫn đạt mức khá 3.000 tỷ đồng (không tính phái sinh).
Mặt khác, kể từ khi có dịch Covid-19 đến nay, VN-Index giảm khoảng 9,4%, không ít cổ phiếu rớt trên 15-20%, kể cả largecap. Như vậy, có thể suy đoán là rất nhiều người vẫn đang bắt dao rơi đó thôi.
Điều mà tôi muốn nói ở đây là chuyện có nên bắt dao rơi hay không thì còn tùy nhà đầu tư. Đối với những người được gọi là traders, không thể khuyên họ án binh bất động. khi cổ phiếu có tín hiệu hồi thì họ sẽ lấy 1 phần tiền mua đánh cược. Nhưng ngược lại, đối với nhà đầu tư “không chuyên”, không nên xúi họ bắt dao rơi. Khi lướt sóng mà không có kiến thức, kinh nghiệm và cả may mắn, mua cổ phiếu khi nó đang tăng giá vẫn tốt hơn là mua khi nó đang giảm giá.
Đối với những nhà đầu tư giá trị, tức mua khi thấy cổ phiếu rẻ (so với định giá), thì lúc này có thể mua. Lý do cũng đơn giản, không ít cổ phiếu rẻ, xét theo P/E, P/B hay các phương pháp phức tạp hơn.
Các công ty chứng khoán lớn sau Tết vẫn không ngừng đưa ra các báo cáo phân tích và khuyến nghị mua vào theo định giá chuyên nghiệp. Ngoài ra, tôi tin rằng trong thanh khoản khoảng 3.000 tỷ đồng/phiên nói trên, có phần đóng góp không ít từ các quỹ ngoại (dù họ bán nhiều hơn mua).
Như vậy, mua nếu thấy rẻ và kiên nhẫn chờ là cách có thể làm lúc này. Tuy nhiên, tôi cũng xin lưu ý rằng từ “rẻ” lúc này cũng nên chiết khấu nhiều hơn so với từ “rẻ” trước khi có dịch, kiểu như trước đây quý vị coi P/E 15 là rẻ thì nay P/E là 10 hay thấp hơn mới là rẻ, vì còn phải dự phòng giảm EPS khi doanh nghiệp phản ánh thiệt hại của dịch Covid-19 trong các báo cáo quý sắp tới.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta
Trên quan điểm thận trọng, xu hướng tăng chưa được xác nhận thì chiến lược ngắn hạn thích hợp là nên đứng bên ngoài thị trường. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư có độ chấp nhận rủi ro cao thì quan điểm của tôi vẫn có thể cân nhắc chọn lựa chọn các cổ phiếu “khỏe” trong giai đoạn này, tức là cổ phiếu mạnh cả về yếu tố cơ bản và yếu tố kỹ thuật.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Thị trường hiện tại khó xác định được điểm đáy đồng nghĩa với việc các mốc hỗ trợ kỹ thuật có thể bị phá vỡ dễ dàng tùy thuộc vào tình hình dịch cúm diễn tiến ở mức độ nào. Việc bắt dao rơi thường dựa vào các yếu tố kỹ thuật tuy nhiên như đã nói ở trên hiện tại những yếu tố này là bất định.
Nhà đầu tư cần thêm thời gian quan sát và chờ đợi thêm một vài tuần để đánh giá kỹ hơn về thị trường. Có thể việc tham gia thị trường sẽ chậm hơn một chút nhưng rõ ràng là an toàn hơn nhiều.
Dịch cúm Covid 19 dễ lây lan có thể gây khó khăn hệ thống y tế nhưng tỷ lệ tử vong thấp và có đặc tính theo mùa. Hiện tại số người chữa khỏi đang tăng lên nhiều hơn cho thấy thế giới đang có những phác đồ chữa trị hiệu quả. Tôi tin dịch cúm sẽ sớm được kiểm soát và thị trường sẽ có nhiều cơ hội phục hồi trở lại và dòng tiền sẽ trở lại với chứng khoán đầu tiên.
Hoàng Anh