Tân Hiệp Phát, URC hay Suntory PepsiCo – ba “ông lớn” chiếm gần 80% thị trường 1,7 tỷ USD của trà đóng chai, vốn cũng là những cái tên khá kín tiếng trên thị trường.
Tuy nhiên, số liệu kinh doanh cho những năm tài chính gần nhất của ba doanh nghiệp này mới công bố đã phần nào lộ diện bức tranh hoạt động của một ngành hàng được đánh giá lợi nhuận cao. Một sản phẩm giá chỉ vài nghìn đồng, nhưng doanh thu của cả ba doanh nghiệp này không dưới vài nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Thành lập năm 1994, Tân Hiệp Phát được biết đến là một doanh nghiệp lớn sản xuất nước giải khát với nhiều nhãn hàng khác nhau, trải rộng từ trà đóng chai, nước tăng lực, nước bí đao cho tới sữa đậu nành và một số ngành hàng khác.
Tuy nhiên, gần như chủ yếu doanh thu của đơn vị này chỉ đến từ nhóm ba sản phẩm chính là Trà xanh Không độ, Trà Dr Thanh và Nước tăng lực Number One. Hệ sinh thái của Tân Hiệp Phát xoay quanh ba doanh nghiệp chính là công ty mẹ Tân Hiệp Phát Bình Dương, Number One Hà Nam và Number One Chu Lai. Trong đó, chủ yếu doanh thu đến từ hai doanh nghiệp đầu, còn Number One Chu Lai mới đi vào hoạt động nên chưa phát sinh kết quả kinh doanh.
Theo báo cáo tài chính 2017 của những công ty này, tổng doanh thu của hệ thống Tân Hiệp Phát trong năm gần nhất đạt gần 7.000 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ Tân Hiệp Phát đứng đầu với hơn 5.300 tỷ đồng doanh thu.
Kinh doanh trong lĩnh vực đồ uống không cồn, biên lợi nhuận của Tân Hiệp Phát cũng tương tự một số doanh nghiệp lớn với con số chót vót gần 40%. Nói cách khác, trong một chai nước được bán ra thị trường với giá 10.000 đồng thì trung bình giá vốn nguyên liệu chỉ khoảng 6.000 đồng.
Dù vậy, kết quả kinh doanh của Tân Hiệp Phát không phải lúc nào cũng đi lên theo đà tăng.
Doanh thu của hệ thống Tân Hiệp Phát Bình Dương và Number One Hà Nam cũng có giai đoạn chững lại trong hai năm 2015-2016 khi công ty này bị ảnh hưởng với “vụ kiện con ruồi”. Sự quay lưng của người tiêu dùng phần nào ảnh hưởng đến doanh thu của hệ thống Tân Hiệp Phát trong năm 2016 khi ghi nhận giảm hơn 15% so với năm 2015 và gần 20% so với năm 2014.
Tuy nhiên, khi thị phần của Tân Hiệp Phát tăng trở lại với sự “sảy chân” của URC Việt Nam – đối thủ bám đuổi sít sao thị phần trước đó, doanh thu của doanh nghiệp này cũng lên tương ứng. Kết thúc năm 2017, doanh thu của Tân Hiệp Phát đã vượt thời điểm trước khủng hoảng – năm 2014.
Có một điểm đặc biệt trong báo cáo tài chính của Tân Hiệp Phát là lợi nhuận hàng năm đều được doanh nghiệp này rút ra thông qua hình thức chia cổ tức. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ ghi nhận khoảng 1.500 tỷ đồng cổ tức trả cho chủ sở hữu trong 2 năm 2016 và 2017.
Là công ty gia đình, cổ đông của Tân Hiệp Phát hiện là các thành viên gia đình ông Trần Quí Thanh. Theo số liệu mới nhất, Tân Hiệp Phát có vốn điều lệ 256 tỷ đồng, với 3 cổ đông chính là bà Phạm Thị Nụ (vợ ông Thanh) và hai con gái với tổng sở hữu 99,999%. Công ty Number One Hà Nam (vốn điều lệ 50 tỷ đồng) cũng tương tự với ông Thanh sở hữu 60% cổ phần và bà Trần Uyên Phương sở hữu 40%.
Từng ngấp nghé vượt qua Tân Hiệp Phát khi công ty này vướng vào scandal “vụ kiện con ruồi”, URC cũng có kết quả tương đối tích cực tại thị trường Việt Nam. Hệ thống của URC nằm ở hai công ty chính là URC Việt Nam (đặt tại khu công nghiệp VSIP Bình Dương) và URC Hà Nội (đặt tại Thạch Thất, Hà Nội).
Theo số liệu của Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), trong ba năm gần nhất, doanh thu của URC Việt Nam đều đặn ghi nhận trên 4.000 tỷ đồng với biên lợi nhuận gộp khoảng 22%. Trong khi đó, URC Hà Nội phụ trách thị trường phía Bắc đều đạt hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu.
Tuy nhiên, cũng như Tân Hiệp Phát, URC cũng chịu ảnh hưởng về khủng hoảng, mới đây là việc nhiễm chì với hai sản phẩm chủ lực là C2 và Rồng Đỏ. Ảnh hưởng của khủng hoảng này với URC có thể nhìn thấy từ kết quả của thị trường phía Bắc, khi doanh thu của URC Hà Nội năm 2016 giảm hơn 35% so với năm trước đó. Trong khi lợi nhuận năm 2016 chỉ còn hơn 180 tỷ so với mức 367 tỷ năm 2015.
Nhưng dù chịu khủng hoảng, nền tảng tích lũy của URC vẫn còn khá dồi dào. Khác với Tân Hiệp Phát, lợi nhuận của hai công ty này đều được giữ lại trong ba năm gần nhất. Lợi nhuận chưa phân phối của URC Hà Nội và URC Việt Nam đến cuối năm 2016 đạt gần 3.000 tỷ đồng.
Suntory PepsiCo, liên doanh giữa Pepsi và tập đoàn Suntory của Nhật hiện là một trong những doanh nghiệp có doanh thu cao nhất ngành đồ uống. Tuy nhiên, khác với Tân Hiệp Phát hay URC, ngoài trà đóng chai Suntory PepsiCo còn nhiều sản phẩm chủ lực khác, đặc biệt là đồ uống có ga mang thương hiệu Pepsi.
Không đóng vai trò chủ lực trong hoạt động nhưng với thị phần tương đương URC, doanh thu ngành RTD Tea với Suntory PepsiCo cũng không nhỏ. Ước tính trong tổng doanh thu gần 14.000 tỷ đồng năm 2016 thì doanh thu ngành hàng này chiếm khoảng 20-25%, tức khoảng 3.000 tỷ đồng.