Những quyết sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm giảm lãi suất đã tác động tích cực đến thị trường chứng khoán và là lực đẩy quan trọng đối với chỉ số của cả hai sàn trong tuần giao dịch vừa qua. Lần đầu tiên trong nhiều tháng các cổ phiếu ngân hàng trở lại đường đua tăng giá từ một mặt bằng giá thấp nhất trong lịch sử 11 năm của thị trường chứng khoán.
Những kỳ vọng cải tổ hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ, đang dần chuyển thành hiện thực khi NHNN cho biết sẽ có chính sách rõ ràng và kiên quyết xử lý các ngân hàng yếu kém. Hơn ai hết, NHNN hiểu rằng cải tổ ngân hàng nhỏ là đụng chạm đến các nhóm lợi ích, đến những cổ đông tầm cỡ đứng ở phía sau, nhưng bây giờ ngành ngân hàng phải lựa chọn: hoặc cả hệ thống tốt lên để có thể tồn tại, phát triển hoặc các ngân hàng không lành mạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cả nền kinh tế.
Ít nhất NHNN đã nói và đã hành động, còn kết quả hành động đó đến đâu phải chờ thời gian trả lời. Trong khi quản lý, điều hành thị trường chứng khoán không thuộc trách nhiệm của NHNN. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) là người chịu trách nhiệm trực tiếp về thị trường chứng khoán. Vậy mà đến tận ngày 5-9-2011 sau nhiều lần lên tiếng gay gắt của dư luận, báo chí mới thấy Ủy ban ban hành văn bản yêu cầu các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, ngân hàng lưu ký, giám sát tuân thủ luật Chứng khoán. Vấn đề cốt lõi của văn bản là bán khống. Luật cấm, những bán khống vẫn hoành hành ngang nhiên mà chưa hề có một trường hợp nào bị phát hiện, xử lý nghiêm.
Ai đang giúp thực hiện bán khống? Nếu các công ty chứng khoán không nắm rõ lượng cổ phiếu đang có tài khoản từng nhà đầu tư, làm sao họ biết để làm trung gian cho các khách hàng gặp nhau, vay mượn cổ phiếu của nhau để bán khống? Nếu một số công ty quản lý quỹ không cho phép một số khách hàng lớn tại một số công ty chứng khoán vay mượn các cổ phiếu trong danh mục đầu tư thuộc diện dài hạn, làm sao các tay bán khống có hàng và với khối lượng nhiều, để bán? Nếu không có những động thái vi phạm từ phía lãnh đạo một số công ty chứng khoán, làm thế nào nhân viên môi giới có hàng để chào mời nhà đầu tư “ruột” bán khống? Mọi hành động ấy đều có thể kiểm tra từ Trung tâm lưu ký, từ các ngân hàng lưu ký, giám sát, nhưng tại sao đến giờ vẫn chưa thấy Thanh tra UBCKNN vào cuộc? Ở các quốc gia, khi thị trường chứng khoán thoái trào, bán khống đã bị tạm cấm trong một thời gian để tránh thiệt hại cho nhà đầu tư. Còn ở Việt Nam, nơi thị trường chứng khoán èo uột từ bốn năm nay, bán khống càng ngày càng trở nên phổ biến. Câu hỏi là cơ quan quản lý ở đâu trong hành vi bán khống trên thị trường?
Bán khống, đã đến lúc phải được thanh tra kiểm tra một cách nghiêm chỉnh và xử lý một số trường hợp vi phạm để răn đe. Còn nếu không thể kiểm soát bán khống, thì phải điều chỉnh các qui định pháp lý nhằm đưa nó vào khuôn phép. Không thể cứ mãi tồn tại sự vi phạm đã bị luật cấm rõ ràng. Hay ở đây là sự bất lực của cơ quan quản lý?
Công luận đã từ lâu nghi ngờ về bán khống. Nhiều nhà đầu tư đã tận mắt chứng kiến hành vi bán khống. Có nhà đầu tư thậm chí bi quan đến mức cho rằng phải chăng có sự làm ngơ của cơ quan quản lý đối với bán khống do mối quan hệ với một số công ty chứng khoán? Đa số nhà đầu tư vẫn tin tưởng cơ quan quản lý thị trường chứng khoán trong sáng, nhưng sự trong sáng đó phải được minh chứng để xóa bỏ những nghi ngờ đang có chỗ đứng kia.
Trong phiên giao dịch ngày 7-9-2011 VN-Index đã bật tăng mạnh mẽ lên 443,99 điểm với 44,3 triệu cổ phiếu trị giá 704 tỉ đồng được chuyển nhượng. Sàn Hà Nội có phiên giao dịch hứng khởi khi Hnx đóng cửa ở 76,75 điểm tăng hơn 4% – mức tăng mà đã rất lâu rồi người ta mới được chứng kiến. Thanh khoản của Hnx ở mức gần 70 triệu cổ phiếu, trị giá gần 700 tỉ đồng.