Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết tiêu thụ điện trong những năm gần đây tăng với tốc độ cao, bình quân 12,04%/ năm trong giai đoạn 2003-2018. Theo dự báo trong giai đoạn đến năm 2030, nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, ngành điện cần phải đảm bảo sản xuất 265-278 tỷ kWh vào năm 2020 và khoảng 572-632 tỷ kWh vào năm 2030.
Rủi ro nguồn cung
EVN cho biết, giai đoạn 2019-2020, cung cấp điện có thể đảm bảo; tuy nhiên, đến năm 2021- 2023, gần như các nguồn điện được huy động hết, trong đó có cả nguồn điện được sản xuất từ nguyên liệu có giá thành đắt như dầu thô (giá thành sản xuất điện bằng dầu thô gấp ba lần so với giá thành sản xuất điện bằng than và khí).
Cùng với đó, quá trình sản xuất điện còn ẩn chứa nhiều rủi ro như thiếu nước tại các hồ thủy điện. Các nguồn khí cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện ngày một hạn chế trong khi các nguồn khí thay thế khác lại khó khai thác. Đồng thời, giá khí đốt đang có xu hướng tăng.
Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), giá khí hiện trung bình là 6 USD/mmBtu. Đến năm 2023 có thể tăng lên 10-12 USD/mmBtu. Trong khi việc khai thác nguồn khí Lô B, khí Cá Voi Xanh đang bị chậm tiến độ.
Theo ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, đặc biệt nhiên liệu cho phát điện.
Cùng với đó, các nguồn điện đã được khởi công xây dựng để đưa vào vận hành trong 5 năm tới rất thấp so với yêu cầu tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh trong 5 năm 2018-2022, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào là 34.864MW, trong đó nhiệt điện là 26.000MW. Thực tế hiện nay chỉ có 7 dự án nhiệt điện than với 7.860MW đã được khởi công và đang triển khai xây dựng. Nhiều dự án nguồn điện, nhất là các dự án nhiệt điện tại miền Nam tiềm ẩn rủi ro và có thể sẽ tiếp tục bị chậm tiến độ so với đánh giá tại thời điểm hiện nay. Mỗi dự án nhiệt điện than 1.200MW tại miền Nam bị chậm tiến độ sẽ làm mức độ thiếu điện tại khu vực này tăng thêm 7,2-7,5 tỷ kWh/năm.
Trong khi đó, với điện hạt nhân, ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, cho biết trước đây việc phát triển điện hạt nhân thuận lợi nhưng trước nguy cơ mất an toàn, các nhà máy phải nâng cấp từ tiêu chuẩn 2+ lên 3 và 3+. Điều này khiến giá thành điện hạt nhân đội lên nhiều đến mức “các nhà máy không chịu nổi”.
Cuối năm 2016, Quốc hội quyết định dừng hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận do vấn đề nợ công và điều kiện kinh tế, để lại một khoảng trống lớn trong Quy hoạch điện VII và không dễ gì bù đắp. Bộ Công Thương có nhiều định hướng để bù đắp khoảng trống này như đẩy mạnh các loại điện truyền thống và điện tái tạo. Tuy nhiên, ngay cả các loại điện này đến nay cũng chưa đạt được theo Quy hoạch điện VII.
Trên thực tế, hiện chưa có nhiều dự án năng lượng tái tạo được triển khai do nhiều nhà đầu tư chưa thật hiểu rõ về lợi ích và các rủi ro liên quan. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư tại các địa phương bị hạn chế về nguồn lực, nhiều dự án hiện tại có hiệu quả cũng khó thu xếp vốn…
Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho biết sở dĩ điện sạch chưa phát triển như mong đợi vì thiếu hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý vận hành các công trình năng lượng tái tạo, nhất là các công trình điện gió, điện mặt trời còn thiếu.
Điện sản xuất từ năng lượng tái tạo thường phải đối mặt với sự bất lợi cạnh tranh không lành mạnh. Nguyên nhân là do các chính sách hiện nay không quy định phải trả các chi phí môi trường và xã hội đối với công nghệ cung cấp điện từ nguồn nhiên liệu hóa thạch.
Xài” lãng phí vì giá quá rẻ
Trước nguy cơ thiếu điện đang cận kề, câu hỏi làm thế nào để đảm bảo nguồn cung điện trong thời gian tới trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng đầu tư phát triển bất động sản sinh lời gấp hàng trăm lần so với đầu tư vào năng lượng (suất đầu tư cao, lợi nhuận thấp, khả năng thu hồi vốn lâu) nên nhà đầu tư kém mặn mà. Vì vậy, giá năng lượng rất quan trọng, Chính phủ nên tăng giá để thu hút nhà đầu tư.
Đại diện cho EVN, Phó Tổng Giám đốc Ngô Sơn Hải kiến nghị, thời gian tới cần thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu chính trị, kinh tế – xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành điện.
Cùng với đó, có cơ chế về khung giá mua điện từ Lào để đẩy nhanh việc đàm phán với phía Lào nhằm thu gom các nguồn điện tại Nam Lào và các đường dây đấu nối để nhập khẩu về Việt Nam qua đường dây 220kV hiện hữu.
Đồng thời, các bộ, ban ngành và nhà đầu tư phối hợp giải quyết các vướng mắc và có cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo tiến độ chuỗi dự án khí Lô B, khí Cá Voi Xanh và các dự án nguồn điện đồng bộ; ưu tiên khí cho phát điện và giảm lượng khí cấp, thậm chí dừng cấp khí cho các hộ tiêu thụ khác (đạm, Nhà máy xử lý khí Cà Mau) để đảm bảo an ninh năng lượng, nhất là trong các năm 2020- 2025; tiếp tục khuyến khích năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời áp mái để giảm nhu cầu sử dụng điện và tăng cường nguồn cung cho hệ thống…
Ts. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nêu quan điểm, lâu nay chúng ta vẫn có tư duy đảm bảo an ninh năng lượng mà quên quan tâm tới tiêu thụ thế nào cho hiệu quả.
Hiện, cơ cấu kinh tế vẫn tiêu dùng năng lượng quá tốn kém do sử dụng công nghệ thấp, khai thác tài nguyên nhiều, gia công là chính… Ngay cả nông nghiệp cũng là ngành tiêu dùng năng lượng tốn kém.
“Trong khi đó, năng suất lao động tiến triển chậm nhưng tiêu dùng năng lượng cao. Tăng trưởng năng suất chỉ bằng 1/3 tốc độ tăng trưởng năng lượng. GDP tăng trung bình 6% mỗi năm nhưng tăng năng lượng lên mười mấy phần trăm. Điều này cho thấy, dư địa lớn nhất về mặt chính sách để giải quyết an ninh năng lượng là sử dụng điện tiết kiệm”, ông Thiên nói.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, vấn đề then chốt của ngành điện là giá điện. Hiện nay, giá điện vẫn nằm trong sự điều tiết của Nhà nước. Tuy nhiên, phải phát tín hiệu để người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng đó là đảm bảo an ninh năng lượng hiệu quả gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.