Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hồ tiêu tháng 8/2018 ước đạt 20 ngàn tấn, trị giá 58 triệu USD, đưa xuất khẩu hồ tiêu 8 tháng đầu năm 2018 ước đạt 173 ngàn tấn, với 577 triệu USD, tăng 13,07% về lượng và tăng 11,29% về giá trị so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá tiêu xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm đạt 3.379 USD/tấn, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2017.
Nhu cầu hạt tiêu toàn cầu dao động từ 300.000 – 350.000 tấn/năm. Việt Nam có thể cung ứng trên dưới 200.000 tấn/năm, chiếm khoảng 62% – 65% tổng sản lượng tiêu thế giới.
Giá hồ tiêu tụt dốc không phanh
Hiệp hội Hồ tiêu cho biết, giá tiêu đã giảm từ 200.000 đồng/kg vào đầu năm ngoái xuống còn khoảng 70.000 đồng/kg cuối năm. Đà tụt dốc này tiếp tục kéo dài từ đầu năm 2018 và giá tiêu đang dao động từ 47.000 – 49.000 đ/kg.
Giá tiêu đen liên tục giảm, có nguyên nhân không nhỏ từ việc hạt tiêu từ Indonesia được nhập khẩu nhiều về Việt Nam vì có giá bán xô thấp hơn. Năm 2017, Indonesia đã xuất khẩu 42.700 tấn hạt tiêu, 40% trong số đó là xuất sang Việt Nam.
Tình trạng dư nguồn cung trên toàn cầu vẫn tiếp diễn khi Indonesia, Malaysia… đang tiến hành thu hoạch, cũng gây sức ép, làm giảm giá hạt tiêu trên thị trường thế giới. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là sản xuất của Việt Nam còn nhỏ lẻ nên rất khó kiểm soát chất lượng hồ tiêu.
Theo Cục Trồng trọt, từ năm 2010 đến nay, diện tích hồ tiêu trong nước tăng rất nhanh. Năm 2010, cả nước chỉ trồng 51,5 ngàn ha; năm 2014 là 85,591 ngàn ha; đến hết 2017 là 152,668 ngàn ha, tăng 196,3% so với năm 2010 và vượt quy hoạch trên 100 ngàn ha.
Theo các chuyên gia, năm 2018, tuy năng suất tiêu tại một số nước sản xuất lớn, trong đó có Việt Nam có thể giảm, nhưng do diện tích cho thu hoạch vẫn tăng nên tổng nguồn cung toàn cầu vẫn sẽ cao hơn 2017 và cao hơn nhu cầu.
Điều này khiến giá thế giới có xu hướng không tăng, lợi nhuận từ cây tiêu với nông dân không được như những năm trước, và xuất khẩu tiêu của Việt Nam sẽ khó khăn do rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu. Có tới 95% sản lượng hạt tiêu của Việt Nam làm ra được dùng để xuất khẩu, vì vậy, chất lượng là con đường mà ngành hồ tiêu phải đi.
Giải bài toán chất lượng
Trước tình trạng trên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng khuyến nghị, các doanh nghiệp (doanh nghiệp) xuất khẩu cần phải chủ động khai thác tốt lợi thế là quốc gia đang nắm trong tay nguồn cung lớn, và cần có bài toán kinh doanh tốt để có thể nâng giá tiêu xuất khẩu lên.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải xây dựng cho mình một mô hình trồng hồ tiêu sạch để cung cấp cho đối tác xuất khẩu sang các thị trường cực kỳ khó tính ở châu Âu và các nước trên thế giới.
Đồng thời, ràng buộc hộ nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất phải tuân thủ kỹ thuật chăm sóc đúng quy trình từ khâu bón phân và phun thuốc đúng liều lượng, hạn chế sử dụng phân bón hóa học nhằm đảm bảo sản phẩm thu hoạch không bị dư lượng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật và những quy định khác,…để có một đầu ra sạch.
Để nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành tiêu Việt Nam, Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải sớm tập trung vào công tác giống, gắn chặt khâu điều hành, nghiên cứu với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường.
Tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ, sớm tổng kết từng tiểu vùng để đánh giá quy trình kỹ thuật. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu chọn tạo và kiểm soát chất lượng giống hồ tiêu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cũng cho rằng, trong thời gian tới, ngành hồ tiêu cần ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, nhằm kiểm soát diện tích, cắt giảm chi phí sản xuất… cũng như đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đây cũng là hướng phát triển bền vững mà ngành hồ tiêu cần lưu ý trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang gia tăng hiện nay.