Thị trường chứng khoán Việt Nam: Đầy giấc mơ và nhiều ác mộng!
Nhiều nhà đầu tư không hẹn mà có cùng đánh giá: 2012 là năm khó khăn nhất trong 12 năm qua của thị trường chứng khoán Việt Nam và nhiều khả năng sự ảm đạm của thị trường sẽ tiếp diễn ít nhất cho tới cuối năm 2013
Tuy nhiên, với cái nhìn lạc quan, trong khó khăn luôn xuất hiện những cơ hội, ông Kyung Hee Oh, Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam vẫn thấy rất nhiều cơ hội dành cho nhà đầu tư dài hạn. “Thị trường đang trong quá trình “chọn lọc tự nhiên” để sau đó phát triển bền vững và ổn định hơn”, ông Kyung Hee Oh nhấn mạnh.
Cơn ác mộng mang tên "chứng khoán"
– Trong năm 2012, mỗi khi hỏi về tình hình thị trường chứng khoán, tôi thường nhận được cái nhíu mày hoặc “than ngắn, thở dài” của các nhà đầu tư. Thị trường đang thực sự xấu đến như vậy sao, thưa ông?
Đúng là thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một năm đầy biến động. Từ vị thế là thị trường có mức tăng trưởng tốt nhất trong khu vực và thế giới được xác lập thì từ đầu năm cho đến thời điểm này, thị trường chứng khoán đã nhanh chóng trải qua đợt điều chỉnh kéo dài, liên tiếp những thông tin không mấy lạc quan từ nền kinh tế vĩ mô như: Bất ổn về tình hình nợ xấu của hệ thống ngân hàng, tăng trưởng kinh tế thấp và kết quả kinh doanh kém khả quan của các doanh nghiệp niêm yết, đã ảnh hưởng trực tiếp tới thanh khoản của thị trường.
Một phần nguyên nhân của sự sụt giảm này là do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, các hoạt động giao thương cả trong và ngoài nước của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của người tiêu dùng giảm mạnh. Tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn trong 9 tháng đầu năm 2012 rất kém khả quan, theo thống kê gần nhất có khoảng 92% doanh nghiệp niêm yết lợi nhuận giảm trung bình khoảng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng quan hơn thì thị trường vẫn có những tín hiệu khá tốt, điển hình là trong một vài tháng hồi giữa năm, sắc xanh bao phủ trên cả 2 sàn HNX và HOSE, giao dịch sôi động trở lại. Dĩ nhiên, điều này chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian tương đối. Thế nhưng, tín hiệu này cho thấy, thị trường vẫn còn nhiều và rất nhiều cơ hội phát triển.
– Một số nhà đầu tư không mấy lo lắng về sự suy giảm của thị trường, theo lý luận của các nhà đầu tư này thì họ quan tâm nhiều hơn đến sự suy giảm của thanh khoản hơn là giá chứng khoán. Thực hư chuyện này là sao?
Chúng ta đều biết, thị trường giảm thanh khoản đồng nghĩa với việc sự quan tâm của nhà đầu tư đến thị trường đã “phai nhạt”. Họ không còn mặn mà “ăn chứng khoán, ngủ chứng khoán” nữa mà chọn phương cách “án binh bất động” để chờ thời. Điều này sẽ làm giảm số lượng người tham gia vào thị trường chứng khoán. Khi đã không có nhiều giao dịch, thị trường sẽ tiếp tục ảm đạm.
Rõ ràng với mức giao dịch thấp như hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đang mất dần thanh khoản. Hay nói một cách khác, thanh khoản hiện tại đang phản ánh mức độ quan tâm của nhà đầu tư tới thị trường chứng khoán khá là ít.
– Thị trường địa ốc hiện đang “bất động”, thị trường vàng thì lên xuống quá rủi ro, ngoại tệ không mấy tỏ ra hấp dẫn, thị trường chứng khoán cũng không phải là kênh được nhà đầu tư lựa chọn. Vậy nhà đầu tư đang làm gì và tiền của họ đang “đi đâu, về đâu”?
Theo tôi được biết, tiền trong dân còn rất lớn, thế nhưng trong nền kinh tế đầy bất ổn như hiện nay, nhà đầu tư chọn ngân hàng làm nơi “trú ẩn” cho nguồn tiền ấy.
Nhiều hoạt động đầu tư, kinh doanh đang “án binh bất động” để chờ thời cơ. Các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn với bất kỳ khoản đầu tư nào. Tuy nhiên, đối với những khoản đầu tư vừa phải, tôi vẫn thấy khả năng “chi” của nhà đầu tư khá cao. Chẳng hạn, một số dự án đất nền có giá thành tương đối ở vùng ngoại ô, chỉ khoảng 300 – 700 triệu vẫn đang thu hút khách hàng. Một số cổ phiếu có giá trị vẫn tỏ ra hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước.
– Có vẻ như càng về cuối năm, thị trường chứng khoán càng ở cảnh “chợ chiều”?
Đúng là những tháng ngày cuối năm thanh khoản của chứng khoán là khá yếu. Tôi cho rằng, điều này là bình thường. Theo chu kỳ kinh doanh, về cuối năm nhà đầu tư tổ chức phải lên kế hoạch thanh toán cho các khoản nợ, kế hoạch trả lương, tính toán thưởng Tết cho nhân viên… nên cần đảm bảo nguồn tiền mặt để lo thu – chi. Đối với nhà đầu tư cá nhân, cuối năm là dịp “tiêu tiền” vì họ phải lo sửa chữa nhà cửa, mua sắm hàng Tết… Do vậy, nguồn tiền sẽ “chảy” vào nhu cầu chi tiêu thực tế của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2013, sẽ là thời kỳ sáng sủa hơn của thị trường chứng khoán vì theo chu kỳ, thời điểm này nhà đầu tư bắt đầu chặng đường đầu tư mới.
Còn đó những giấc mơ
– Nếu so với tuổi đời hàng trăm năm của thị trường chứng khoán trên thế giới thì dường như con số 12 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam còn quá “non trẻ”. Điều này là bất lợi hay thuận lợi cho nhà đầu tư tại Việt Nam? Bởi tôi thấy rằng, tuổi trẻ bao giờ cũng dồi dào nguồn sinh lực để chiến thắng trong bất kỳ cuộc đua nào nhưng kinh nghiệm đôi khi lại là yếu tố quyết định sự thành công?
Thị trường chứng khoán của nền kinh tế mới nổi (emerging economy) như Việt Nam còn chứa nhiều đặc trưng chưa thể hiểu hết được. Trong khi đó, diễn biến của thị trường chứng khoán lại là một câu đố mà ngay cả những thị trường lâu năm nhất cũng không thể có lời giải. Thắng – thua, nóng – lạnh, lên – xuống của chứng khoán còn tùy thuộc nhiều yếu tố cả về tình hình của nền kinh tế toàn cầu, chính sách của nhà nước đó, cũng như nguồn lực của chính doanh nghiệp niêm yết. Do vậy, tôi thường gọi vui là “thời tiết” chứng khoán.
Thêm vào đó, đặc thù của ngành tài chính, chứng khoán luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn cho nên không riêng gì thị trường chứng khoán Việt Nam mà ngay cả các thị trường chứng khoán ở các quốc gia có nền kinh tế tiên tiến như Hoa Kỳ, châu Âu hiện nay đều phải chịu ảnh hưởng chung của tình trạng suy thoái kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, sau 12 năm thành lập và hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được khá nhiều thành tựu đáng ghi nhận:
+ Quy mô vốn hóa trên thị trường hiện nay là 626.316 tỷ, tăng 635 lần so với năm 2000.
+ Số lượng công ty niêm yết của 2 sàn hiện nay là 704 mã chứng khoán, tăng 302 lần so với năm đầu tiên thành lập.
+ Số lượng tài khoản nhà đầu tư hiện nay là 1.181.750 tài khoản, tăng 394 lần so với năm 2000.
Tôi cho rằng, đây là bước khởi đầu tương đối thuận lợi để thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên và phát triển trong tương lai.
– Trong khi các công ty chứng khoán cắt giảm nhân sự, đặc biệt là mảng môi giới đang dần co cụm lại. Thế nhưng chứng khoán KIS có vẻ đi ngược lại thị trường, khi đang mở rộng đầu tư và có nhiều ưu đãi trong việc tuyển dụng nhân sự. Điều này là thực hay chỉ là “tin đồn”? Nếu đúng như thế, tại sao KIS lại có một hướng đi khá là khác biệt như vậy?
Chúng tôi đã và đang mở rộng việc tuyển dụng để thu hút các nhân viên môi giới giỏi trên thị trường. Tôi luôn cho rằng, trong khó khăn sẽ xuất hiện cơ hội. Chúng tôi nhìn thấy, chính trong thời điểm thị trường chưa có nhiều tín hiệu lạc quan như hiện nay, sẽ là cơ hội tốt để KIS cũng như các công ty chứng khoán khác có tiềm lực mở rộng thêm thị phần, thu hút thêm đội ngũ môi giới chuyên nghiệp.
Điển hình như trong năm 2012, KIS đã có sự thay đổi về địa điểm của hội sở: Tại TP.HCM, KIS Việt Nam đã chuyển hội sở sang tòa nhà Maritime Bank, trên đường Nguyễn Công Trứ, Q.1 để thuận tiện cho khách hàng giao dịch; Tại Hà Nội, KIS cũng đã chuyển văn phòng tới khu vực trung tâm hơn.
Khi thị trường từng bước phục hồi, giao dịch sôi động trở lại, chúng tôi đã có một đội ngũ sẵn sàng để phục vụ các nhà đầu tư.
– Trên thị trường chứng khoán đã xuất hiện một làn sóng dịch chuyển tài khoản từ công ty chứng khoán “yếu” sang công ty chứng khoán “khỏe”, có phải là nhà đầu tư đang cố gắng tìm nơi trú ẩn an toàn cho khoản đầu tư của mình? Hay xu hướng này đang phản ánh điều gì khác?
Điều này chứng tỏ đang có sự sàng lọc giữa các công ty chứng khoán. Về dài hạn, sự dịch chuyển tài khoản của nhà đầu tư có ảnh hưởng tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và chính bản thân nhà đầu tư nói riêng. Khi môi trường cạnh tranh càng “khốc liệt”, các công ty chứng khoán buộc phải tìm mọi cách để thu hút khách hàng bằng cách đưa ra các sản phẩm dịch vụ, sản phẩm tài chính với chất lượng ngày càng cao cho khách hàng. Và nhờ đó, thị trường tài chính Việt Nam sẽ ngày càng phát triển chuyên nghiệp hơn.
Tôi cho rằng, trong tình hình hiện nay, các công ty chứng khoán có tài chính vững mạnh sẽ chiếm ưu thế trên thị trường. Riêng đối với KIS Việt Nam có được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Tập đoàn KIS tại Hàn Quốc không chỉ về tài chính mà cả nguồn nhân lực. Do vậy, trong thời gian qua, mặc dù thị trường gặp nhiều “sóng gió” nhưng ngay từ đầu KIS Việt Nam đã chú trọng phát triển kỹ thuật quản trị điều hành và quản trị rủi ro nên đã vượt được bão, đang đi lên và sẽ tiếp tục phát triển.
– Năm 2012 cũng là năm đánh dấu nhiều quỹ đầu tư phải giải thể do hoạt động không hiệu quả, thế nhưng quỹ đầu tư của KIS nghe đâu sẽ tiếp tục hoạt động trong 5 năm nữa?
Quỹ Vietnam Fund từ Hàn Quốc được thành lập từ năm 2006 – 2007 với tổng số vốn đầu tư gần 1,1 tỷ USD. Mặc dù suốt thời gian hoạt động, diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam không mấy khả quan khiến các nhà đầu tư Hàn Quốc khá thất vọng. Tuy nhiên, chúng tôi đã thuyết phục thành công các cổ đông về xu hướng phục hồi của thị trường để họ đặt niềm tin, tiếp tục gia hạn hoạt động của Quỹ Vietnam Fund thêm 5 năm. Tôi tin rằng, niềm tin của nhà đầu tư sẽ trở lại và trong năm 2013 sẽ xuất hiện thêm dòng tiền mới đổ vào thị trường. Vấn đề là chỉ cần thêm thời gian.
– Những bước đi, những quyết định của KIS dường như đang chứng tỏ việc KIS khá tin tưởng vào thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc trong thời gian tới?
Nền kinh tế Việt Nam cần thêm thời gian để các chính sách tài chính lẫn tài khóa dần phát huy tác dụng. Do vậy, những tín hiệu tích cực từ chính sách đã ban hành trong năm 2012 sẽ phát huy tác dụng trong năm 2013.
Khi nền kinh tế Việt Nam nói chung hay tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong nước nói riêng được cải thiện thì niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với thị trường chứng khoán sẽ trở lại.
Ngoài ra, đối với các nhà đầu tư nước ngoài, chúng ta phải tính đến yếu tố cạnh tranh của các thị trường tài chính khác trong khu vực như Indonesia, Philipines, Malaysia… Họ có rất nhiều sự chọn lựa và thường có xu hướng chọn các thị trường ổn định và có tiềm năng tăng trưởng bền vững. Do vậy, để thu hút các nhà đầu tư này, trước hết thị trường chứng khoán Việt Nam không những phải hồi phục mà tính thanh khoản cần phải cao.
– Nếu nhìn một cách khách quan, thì ông đánh giá thị trường trong năm 2013 sẽ diễn biến như thế nào?
Tôi đang thấy, nhà đầu tư đã trở nên trưởng thành hơn. Doanh nghiệp niêm yết đang từng bước vượt qua khó khăn, để đẩy mạnh kinh doanh, đi đến giai đoạn phát triển bền vững. Các chính sách từ Chính phủ đang có dần phát huy tác dụng. Những điều này cộng lại sẽ góp phần vực dậy niềm tin của thị trường, và khi đó, thị trường chứng khoán năm 2013 sẽ sôi động trở lại. Đó không còn là ước mơ mà sẽ là hiện thực.
Ngọc Diệp
Theo Kinh Tế & Đầu Tư