(CafeF) – Ông Yun Hang-Jin đến từ CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng VN-Index đang mất dần sức hấp dẫn về giá trị khi PE của thị trường tại thời điểm tháng 2/2013 đã lên 13,2 lần.
Theo đánh giá của chuyên gia Hàn Quốc Yun Hang-Jin đến từ CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam, VN-Index trong nửa đầu năm nay có thể tăng lên ngưỡng 500-550 điểm nhờ dòng vốn của các nhà đầu tư cá nhân cũng như nhà đầu tư nước ngoài đổ mạnh vào thị trường. Tuy nhiên đến cuối năm xu thế của thị trường sẽ biến đổi và phụ thuộc vào các yếu tố như tốc độ phục hồi kinh tế, giá bất động sản, khả năng thay đổi chính sách tiền tệ, kết quả của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng..
Đánh giá này được coi là lạc quan hơn so với thời điểm cách đây 3 tháng. Một báo cáo của KIS đưa tại thời điểm cuối năm 2012 dự báo khả năng Vn-Index có thể tăng 20% so với cuối năm 2012. Tuy nhiên với con số 500-550 điểm thì mức tăng đã được đẩy lên từ 25%-37,5%.
Tuy nhiên chuyên gia Yun cũng cho rằng VN-Index đang mất dần sức hấp dẫn về giá trị khi PE của thị trường tại thời điểm tháng 2 đã lên 13,2 lần (cuối năm 2012 là 10,8 lần). Khi giá trị Vn-Index tăng lên theo thời gian, sức hấp dẫn cổ phiếu giá rẻ sẽ bị mất dần.
Dù sao PE của Việt Nam vẫn ở mức khá thấp so với thị trường các nước trong khu vực (Thái lan 14,1 lần, Philipin 18,9 lần, Trung quốc 10 lần).
Theo chuyên gia Yun, Vn-Index có tiềm năng tăng trưởng dài hạn nhưng xu thế vẫn chưa thực sự rõ ràng. Trong trung hạn thị trường vẫn có thể tăng giảm liên tục. Xét về mục tiêu chính sách, Việt Nam còn thiếu các tổ chức đầu tư dài hạn, thiếu thị trường nhà cung cấp mang tính điển hình. Ở Hàn Quốc ngay từ những năm 2000 đã có các chính sách bảo vệ nhà đầu tư, mở rộng quỹ đầu tư, thu hút các tổ chức đầu tư dài hạn trong khi tại Việt Nam các nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm trên 80% và chủ yếu đầu tư lướt sóng nên ảnh hưởng mạnh đến xu thế và cường độ thị trường.
Các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng thị trường Việt Nam hiện tại quy mô vẫn chưa đủ lớn. tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam vào cuối năm 2012 đạt khoảng 37 tỷ USD thấp nhất trong khu vực Châu Á, các chính sách của Việt Nam đưa ra chỉ chú trọng vào việc huy động vốn doanh nghiệp mà chưa chú trọng hỗ trợ NĐT tổ chức.
Theo chuyên gia Hàn Quốc, để thị trường Việt Nam có thể hình thành xu thế tăng trưởng dài hạn thì đà tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp phải được duy trì và lan rộng sang tất cả các doanh nghiệp niêm yết tuy nhiên vấn đề ở chỗ các doanh nghiệp này khó duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận một cách liên tục. Ngoài ra phương thức và hệ thống giao dịch chứng khoán tại Việt Nam vẫn lạc hậu, cần mở cửa thị trường vốn, cải tiến hệ thống thanh toán điện tử, kéo dài thời gian giao dịch và minh bạch hóa thông tin.
Về quan điểm đầu tư theo nhóm ngành, chuyên gia của KIS cho rằng các mã bluechips sẽ ngày càng nhận được sự quan tâm của NĐT nước ngoài. Việc cấu trúc thương mại thay đổi có thể khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy vào các ngành công nghiệp Việt Nam như tiêu dùng thiết yếu hay các ngành tập trung nhiều lao động. NĐT cũng có thể đầu tư ngắn hạn vào các ngành nhạy cảm với chính sách, tăng giảm theo chu kỳ như bất động sản, xây dựng, nguyên vật liệu, chứng khoán. Quan trọng là phải biết lựa chọn thời điểm đầu tư!
Phương Mai