Loại hợp đồng tương lai chỉ số đầu tiên của Trung Quốc được thiết kế dựa trên bộ chỉ số CSI 300 mô phỏng chỉ số chứng khoán của sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến.
Lúc đầu giới chức Trung Quốc nhận định rằng việc đưa vào vận hành thị trường chứng khoán phái sinh là sẽ một bước ngoặt giúp ổn định thị trường chứng khoán Trung Quốc và đưa thị trường chứng khoán nước này từ một thị trường chứng khoán mới nổi trở thành một thị trường chứng khoán phát triển. Tuy nhiên, lo sợ trước rủi ro lớn của thị trường chứng khoán phái sinh nên chính phủ nước này đã đưa ra những qui định để hạn chế nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường này.
Ở thời điểm năm 2010, nhà quản lý thị trường nhận định rằng ưu tiên hàng đầu của họ vào lúc đó là ngăn ngừa rủi ro. “Sản phẩm chứng khoán phái sinh kiểu hợp đồng tương lai là một con dao hai lưỡi. Đây không những là một công cụ để quản lý rủi ro mà còn là nguồn cơn của những rủi ro, trừ trường hợp công cụ này được sử dụng một cách đúng đắn’, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Trung Quốc nhận định.
Để hạn chế tình trạng đầu cơ trên thị trường này, Trung Quốc đã đưa ra một loạt những qui định rất nghiêm ngặt. Chẳng hạn, các nhà đầu tư cá nhân phải vượt qua một kỳ thi đầy thách thức được miêu tả chẳng khác gì việc thi lấy bằng lái xe ở Anh. Họ cũng phải đạt được một loạt các tiêu chí tối thiểu như: kiến thức cơ bản về tài chính, đầu tư chứng khoán; lịch sử tín dụng; mức lương tháng và tài sản có tính thanh khoản cao. Vào thời điểm khởi đầu đó, để mở một tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh nhà đầu tư cá nhân phải nộp vào tài khoản chứng khoán tối thiểu 500.000 Nhân dân tệ (khoảng 73.000 USD vào thời điểm đó). Nhà đầu tư cũng phải chứng minh được rằng họ đã thực hành được ít nhất 20 giao dịch chứng khoán phái sinh (ở đây là hợp đồng tương lai) giả định hoặc thực hiện giao dịch ít nhất 10 hợp đồng tương lai hàng hóa trong vòng 3 năm trước đó. Ngoài ra nhà đầu tư phải ký quỹ từ 15-18% giá trị hợp đồng tùy thuộc vào từng loại hợp đồng.
Sở dĩ Trung Quốc đưa ra những qui định nói trên là nhằm để hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân – những người được coi là tác nhân chính gây ra sự biến động mạnh của thị trường. Hầu hết những nhà đầu tư này là những người đầu cơ. Cần lưu ý rằng, có khoảng 90% nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Trung Quốc là nhà đầu tư cá nhân – tương tự như tình hình đang diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.
Kết quả là, sau hai tuần đi vào hoạt động có khoảng 6.000 tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh được mở. Một điểm rất đáng chú ý là hầu hết chủ tài khoản này là những người đã có kinh nghiệm đầu tư vào hợp đồng hàng hóa tương lai. Thận trọng hơn, chính phủ Trung Quốc còn cấm các nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư trên thị trường này. Ngoài ra, những qui định về chuyển ngoại tệ ra nước ngoài của Trung Quốc ở thời điểm đó cũng hết sức nghiêm ngặt.
Tuy được qui định chặt chẽ như vậy nhưng thị trường chứng khoán phái sinh của Trung Quốc đã gần như sụp đổ vào quí IV năm 2015, cùng với sự lao dốc của thị trường chứng khoán cơ sở nước này. Trước đó Trung Quốc có thị trường chứng khoán phái sinh được coi là ‘sống động’ nhất thế giới. Chẳng hạn, vào hồi tháng 7/2015 mỗi ngày trung bình có tới 1,7 triệu hợp đồng tương lai được giao dịch, trong khi con số này tại thị trường S&P 500 future tại sàn giao dịch chứng khoán Chicago của Mỹ ở thời điểm đó chỉ là 1,5 triệu hợp đồng mỗi ngày.
Ở thời điểm đen tối của thị trường chứng khoán Trung Quốc hồi tháng 9/2015 (hơn 2 tháng sau thời điểm thị trường bắt đầu lao dốc), trung bình mỗi ngày chỉ có gần 130.000 hợp đồng tương lai được giao dịch, giảm 92% so với thời điểm thị trường sôi động.
Để xử lý khủng hoảng, Trung Quốc đã đưa ra một loạt những qui định thắt chặt hơn, đặc biệt là những qui định có mục đích làm cho chi phí giao dịch của hợp đồng tương lai đắt đỏ hơn. Chẳng hạn, đầu tháng 9/2015, Sở giao dịch Hợp đồng tương lai Thượng Hải đã nâng mức ký quỹ yêu cầu đối các giao dịch đặt cược vào chiều biến động của hợp đồng tương lai (phân biệt với các giao dịch phòng hộ rủi ro cho vị thế chứng khoán cơ sở bằng hợp đồng tương lai) từ 10% lên 40%.
Đồng thời, nhà đầu tư không sử dụng hợp đồng tương lai cho mục đích phòng ngừa rủi ro chỉ được mở 10 hợp đồng mỗi ngày để hạn chế số lượng giao dịch trong ngày. Con số này sau đó được nâng lên thành 20 hợp đồng vào hồi đầu năm 2017.
Trước đó, thị trường tương lai trái phiếu chính phủ của Trung Quốc cũng đã sụp đổ hồi năm 1995 sau hai năm đi vào hoạt động do bị lũng đoạn bởi giới đầu cơ do thiếu những qui định chặt chẽ để kiểm soát hoạt động này.
Đối tượng tham gia trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó có thị trường chứng khoán phái sinh, hiện có đặc điểm tương tự thị trường chứng khoán Trung Quốc. Hiện tại hiện tượng đầu cơ đang diễn ra mạnh trên thị trường chứng khoán phái sinh của Việt Nam. Vì vậy, thiết nghĩ cơ quan quản lý thị trường cần sớm có những giải pháp để bình ổn và phát triển thị trường một cách lành mạnh, tránh đi vào vết xe đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc năm 2015.