Đó là những dự báo khả quan, nhưng sự phát triển của các nước châu Á, theo phân tích của tờ Nikkei Asian Review, sẽ gặp trở ngại bởi ba vấn đề lớn: tình trạng dư thừa bất động sản, tỷ lệ nợ quá cao và sự sụt giảm trong tiêu dùng.
Tại Jalan Kuching, cách trung tâm thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia khoảng 20 phút lái xe, những bảng quảng cáo cho thuê văn phòng vẫn treo đầy trên một cao ốc thương mại, dù cao ốc này đã đi vào hoạt động hơn 1 năm. Tỷ lệ cho thuê của cao ốc vẫn chỉ ở mức 10% vì giá cho thuê quá cao, theo một người môi giới địa ốc. Trong khi đó, ở một cao ốc căn hộ sang trọng 29 tầng cách tháp đôi Petronas có 10 phút đi bộ, một nửa số căn hộ vẫn chưa có người vào ở, dù giá cho thuê không cao lắm: 2.120 đô la Mỹ cho căn hộ diện tích 278 m2 mỗi tháng.
Ngân hàng Nhà nước Malaysia dự đoán tỷ lệ chỗ trống ở các tòa nhà văn phòng tại Kuala Lumpur sẽ tăng lên mức 32% vào năm 2021, khuyến cáo sự phát triển thiếu cân bằng trong lĩnh vực bất động sản sẽ gây ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế.
Ở Seoul (Hàn Quốc), tháng 8-2017, Lim Soo Hyang vay tiền ngân hàng Shinhan Bank mua căn hộ 4 phòng ngủ với lãi suất ở mức 3,47%. Nhưng khi Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc tăng lãi suất lần đầu tiên trong vòng 6 năm vào tháng 12-2017 lên 1,5%, gánh nặng thấy ngay với gia đình cô Lim. Họ phải trả thêm 600.000 won mỗi tháng vào tiền trả góp cho căn hộ 200 triệu won (190.000 đô la), do lãi suất tăng lên mức 3,77%. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã thừa nhận: “Những gia đình thu nhập thấp và những người vay tiền từ 50 tuổi trở lên bị ảnh hưởng lớn nhất trong mỗi đợt tăng lãi suất”.
Tại Philippines, tỷ lệ chi tiêu liên tục giảm trong các quí gần đây. Vincent Alidon, 27 tuổi nói anh sẽ giữ mức chi tiêu như năm ngoái dù anh được tăng lương. “Mỗi tháng tôi cố gắng tiết kiệm đến mức 50% lương. Nếu tôi tiêu quá tay vào khoản này, tôi sẽ tiết kiệm ở khoản khác”, anh nói.
Năm 2017, các nền kinh tế châu Á giữ vững sự tăng trưởng là nhờ vai trò quan trọng của việc xuất cảng hàng hóa điện tử, đặc biệt khi nhu cầu smartphone tăng vọt và các chất bán dẫn tìm được đường vào nhiều thiết bị hơn do sự phát triển của công nghệ Internet vạn vật (Internet of Things – IoT). Nhưng theo World Semiconductor Trade Statistics, tổ chức chuyên thống kê các số liệu về chất bán dẫn thì thị trường chip trên toàn cầu năm nay chỉ tăng 7% lên 437 tỉ đô la, kém xa so với mức tăng 20,6% của năm ngoái.
Do vậy, muốn giữ vững được sự tăng trưởng trong năm 2018, các nước châu Á cần tăng mức tiêu dùng nội địa lên. Nhưng những dấu hiệu về tiêu dùng nội địa ở các nước có dân số trẻ như Philippines kể trên không khả quan lắm.
Ngân hàng trung ương các nước cũng phải rất cân nhắc trong tăng giảm tỉ lệ lãi suất. Giá dầu đang tăng nên không thể tránh khỏi việc lạm phát tăng. Để kiềm chế lạm phát thì cần tăng lãi suất. Nhưng như vậy không đơn giản. Philippines chẳng hạn, nếu tăng lãi suất, làm đồng peso mạnh hơn sẽ khiến nguồn kiều hối từ nước ngoài gửi về giảm xuống và tiêu dùng nội địa cũng giảm xuống.
Giảm lãi suất còn tạo ra hiện tượng bong bóng bất động sản và khuyến khích vay nợ, trong khi hai khoản này đang rất phổ biến ở châu Á.
Quí 2-2017, mức nợ của các hộ gia đình Trung Quốc đạt đến 46,8% GDP, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Bank for International Settlements), tính gộp cả nợ của các hộ gia đình với nợ của các công ty tư nhân là 210,2% GDP. Nợ ở Trung Quốc tăng gấp đôi từ năm 2007, vượt Nhật Bản, Mỹ và Đức. Ở Hàn Quốc, con số gộp này là 193,9% GDP.