Theo Sở GDCK Hà Nội (HNX), ba công ty này đã đăng kí giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM là các công ty lớn và vừa, có tiềm năng tăng trưởng cao và lợi thế kinh doanh lĩnh vực đặc thù. Việc niêm yết nhằm hiện thực hóa các cam kết với cổ đông.
“Người khổng lồ” Masan
Công ty CP Tài nguyên Ma San (Masan Resources) thuộc sở hữu của Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo và là thành viên của Tập đoàn Masan. Hiện, Masan Resources là công ty khai thác tài nguyên, chế biến khoáng sản lớn nhất trong khu vực kinh tế tư nhân và có triển vọng phát triển tầm cỡ thế giới. Thời điểm này, Masan Resources có giá trị sổ sách hơn 11.868 tỷ đồng, vốn điều lệ trên 7.035 tỷ đồng.
Ngày 10/9/2015, HNX đã chấp thuận cho công ty đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM và ngày 17/9, công ty đã chính thức đưa hơn 703,5 triệu cổ phiếu giao dịch trên UPCoM Hà Nội. Giá tham chiếu là 15.500 đồng/CP, tương ứng giá trị vốn hóa đạt 10.904 tỷ đồng và là công ty khai khoáng lớn nhất thị trường Việt Nam.
Cổ phiếu Masan Resources thu hút nhà đầu tư trong và nước ngoài vì công ty này đang quản lý và khai thác Mỏ Núi Pháo (mỏ đa kim, trữ lượng lớn tại tỉnh Thái Nguyên). Mỏ Núi Pháo là mỏ lộ thiên, có trữ lượng vonfram lớn trên thế giới, cùng với kim loại quý khác như florit, đồng và bismut…
Thị trường chứng khoán vừa đón ba “tân binh” gia nhập
Trong 6 tháng đầu năm 2015, Masan Resources đã đạt sản lượng vonfram hơn 2.450 tấn, bằng 70% so với tổng sản lượng năm 2014, đạt doanh thu khoảng 515 tỷ đồng. Sản lượng florit đạt 86.989 tấn, 2.904 tấn đồng, đem về tổng số doanh thu 730 tỷ đồng.
Ông Dominic Heaton, Tổng Giám đốc Masan Resources, cho biết việc niêm yết đánh dấu bước phát triển chiến lược của Masan, có thể trở thành “người dẫn dắt thị trường vonfram toàn cầu và có tiềm năng thay đổi toàn diện ngành công nghiệp này”.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán, giá cổ phiếu MSR trên sổ sách chỉ là 16.496 đồng/CP. Song, theo phương pháp PE, giá cổ phiếu của MSR nằm trong khoảng từ 20.500 – 70.000 đồng/CP.
Còn xét theo giá trị doanh nghiệp, giá trị cổ phiếu của MSR là từ 18.000-105.000 đồng/CP. Với tổng vốn điều lệ gần 7.195 tỷ đồng, nếu niêm yết thành công, đây sẽ là Công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán.
Hai công ty ngành hàng hải
Ngày 18/9, thị trường đón nhận thêm hai tân binh của ngành hàng hải, gồm Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Hàng hải (mã: TRS) và Công ty CP Vinalines Logistics – Việt Nam (mã: VLG).
Cụ thể, có gần 2,213 triệu cổ phiếu TRS được đăng ký giao dịch trên UPCoM với giá trị hơn 22,13 tỷ đồng, giá tham chiếu là 21.000 đồng/CP. Hiện, TRS có vốn điều lệ 22,1 tỷ đồng. Cổ đông lớn nhất của công ty là Công ty CP Xuất nhập khẩu và Hợp tác đầu tư Giao thông vận tải (Tracimexco) ở hữu 408.398 cổ phần (chiếm 18,48% vốn điều lệ).
Được biết, TRS là Công ty chuyên thực hiện giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu, dịch vụ kho bãi và vận tải nội địa cho hầu hết các KCN, KCX. Công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển, đường hàng không, đường bộ, vận tải siêu trường, siêu trọng, dịch vụ vận tải đa phương thức…
Công ty này có hệ thống kho bãi rộng lớn tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương phục vụ xếp dỡ, lưu container, cho thuê kho, bãi với quy trình logistics khép kín. Hiện, TRS là nhà nhập khẩu độc quyền cho các nhãn rượu như: Remy Martin, Courvoisier và các sản phẩm tiêu dùng khác: Nokia Care, Intel Vietnam Product, Starbuck Vietnam, Coca-Cola Việt Nam, McDonald Việt Nam, đối tác cung cấp cho siêu thị Coop Mart.
Về kết quả kinh doanh, giai đoạn 2013-2014, TRS đạt doanh thu lần lượt là 512,6 tỷ đồng và 468,2 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2014 đạt 26,1 tỷ đồng, tăng 68,5% so với năm 2013. Nhưng chỉ số EPS lại ở mức cao, đạt 12.376 đồng/CP (năm 2014). Do nhận định tình hình khó khăn nên năm 2015, TRS đã giảm mục tiêu doanh thu 31,08%, chỉ ở mức 478 tỷ đồng doanh thu và 18 tỷ đồng lợi nhuận.
Cùng ngày, sàn UPCoM cũng đón nhận hơn 14,21 triệu cổ phiếu Vinalines Việt Nam (mã: VLG) giao dịch phiên đầu tiên với giá tham chiếu 12.600 đồng/CP. Năm 2014, công ty đạt doanh thu thuần 2.262 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10,4 tỷ đồng. Năm 2015 – 2016, công ty đặt mục tiêu doanh thu lần lượt đạt 2.400 tỷ và 2.600 tỷ đồng (tăng 6-8% mỗi năm), tương ứng với lợi nhuận sau thuế 11,3 tỷ và 12 tỷ đồng.
Thành lập từ năm 2007, đến nay, Vinalines Logistics Việt Nam đã đầu tư, xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng đồng bộ, thiết bị hiện đại để cung cấp các dịch vụ: tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan; dịch vụ logistics và đường sắt; khai thác thiết bị và cho thuê kho bãi…
Trong hoạt động logistics và đường sắt, công ty đã và đang duy trì hoạt động tạo hàng với các khách hàng chiến lược như: Tập đoàn dệt may Texhong (Trung Quốc), Nhà máy chính của Honda Vệt Nam, thiết lập chuỗi cung ứng dịch vụ logistics xuyên suốt Bắc – Trung – Nam (dịch vụ khai báo hải quan điện tử, vận chuyển container đường bộ, đường biển liên tuyến Hải Phòng – Cửa Lò – Formosa), khai thác dịch vụ vận chuyển hàng hoá xuyên biên giới trên tuyến Thakhek (Lào) – Vũng Áng và Savannakhet (Lào) – Cảng Đà Nẵng.
Hiện, VLG mở rộng khai thác dịch vụ gia tăng về vận chuyển hàng hóa đường sắt (từ Lào Cai đi các ga trong nước), vận chuyển đa phương, dịch vụ kho ngoại quan tại Hải Phòng.