Tại phiên họp quý I/2018 của Ban chỉ đạo Điều hành giá dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) ước tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 3/2018 giảm 0,28% so với tháng 2, nhưng tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2017; CPI bình quân 3 tháng đầu tăng 2,82% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong quý I, giá các mặt hàng thiết yếu thế giới tăng trở lại như nhiên liệu, chất đốt, sắt thép… có tác động đến giá trong nước. Quý I cũng là mùa lễ hội và có Tết Nguyên đán nên một số mặt hàng tăng giá, cộng thêm một số tỉnh điều chỉnh giá khám chữa bệnh với người không có thẻ bảo hiểm y tế đẩy nhóm dịch vụ y tế tăng 34,19%, làm CPI chung tăng khoảng 1,32%; giá dịch vụ giáo dục tăng 7,38% làm CPI tăng 0,38%. Chưa hết, giá điện sinh hoạt tăng 6,08% và mức lương tối thiểu vùng tăng 6,5% làm tăng giá một số loại dịch vụ từ 2-8% so với cùng kỳ năm 2017.
Nhưng trong quý I, cũng có nhiều mặt hàng giảm giá như thịt lợn, rau tươi, viễn thông, khí đốt giảm so với đầu năm 2017. Đáng chú ý việc điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt đã giúp ổn định thị trường ngoại tệ, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ và tài khoá và các chính sách vĩ mô khác để ổn định giá trị đồng tiền và lạm phát cơ bản. Bên cạnh đó quỹ bình ổn xăng dầu được sử dụng linh hoạt đã góp phần hạn chế tăng giá xăng.
Tuy những tháng tới còn nhiều yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá như tác động của giá thế giới và có 8 địa phương sẽ tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục… nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Điều hành giá khẳng định, Chính phủ sẽ đủ khả năng để điều hành chỉ số giá tiêu dùng tăng 4% theo đúng yêu cầu của Quốc hội. “Với kinh nghiệm trong quản lý, phối hợp điều hành của các Bộ, ngành đối với giá cả các mặt hàng, Chính phủ tin tưởng sẽ hoàn thành nhiệm vụ kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đặt ra”, Phó Thủ tướng nói.
Theo ước tính, từ nay đến cuối năm có 8 địa phương sẽ điều chỉnh giá khám chữa bệnh đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế dự kiến tác động CPI khoảng 0,07%; dự kiến điều chỉnh chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế, lương cơ sở cơ cấu vào giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ làm CPI tăng 0,42%; điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục tác động tới CPI 0,3%. Bên cạnh đó, giá các dịch vụ chuyển từ phí sang giá theo Luật, xu hướng biến động của giá xăng dầu, điều chỉnh tiền lương trong khối doanh nghiệp và khu vực công, rủi ro về thiên tai và thời tiết bất lợi, giá các mặt hàng thiết yếu như vật liệu xây dựng (thép), thực phẩm có xu hướng tăng,…
Tính toán các yếu tố tác động làm tăng – giảm CPI, 3 kịch bản cho điều hành giá đã được xây dựng. Theo đó, dự báo CPI bình quân cả năm 2018 sẽ tăng ở mức từ 3,41%; 3,55% và 3,9%, dưới chỉ tiêu Quốc hội giao tăng lạm phát 4% cho năm 2018.
Tai phiên họp, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, lạm phát cơ bản hiện nay là 1,36%, vẫn thấp hơn quy định chung trong năm nay là từ 1,6- 1,8%. NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến của lạm phát cơ bản, việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 17%, tập trung tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp cân đối tiền-hàng, hỗ trợ cho tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Việc thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp lớn năm nay dự kiến sẽ tương đối nhiều nên Chính phủ cần điều tiết việc hút vốn nước ngoài để cung ứng tiền đồng ra thị trường phù hợp, không gây áp lực lên lãi suất và tỷ giá.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành bám sát kịch bản tăng CPI năm 2018 ở mức 3,55% để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và yêu cầu NHNN điều hành lạm phát cơ bản linh hoạt, kiểm soát tín dụng về cơ cấu và chất lượng, cung tiền, tiếp tục biện pháp trung hoà ngoại hối thu được từ nước ngoài, cổ phần hoá bán vốn nhà nước.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần tính toán kỹ việc điều chỉnh bước 3 giá dịch vụ y tế, tránh việc tăng đột biến giá dịch vụ y tế, bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm y tế và mục tiêu kiểm soát lạm phát…