Do đó cơ hội phát triển cho Phú Quốc nhờ vị trí địa kinh tế rất cao. Hiện địa phương lấy du lịch làm trọng tâm phát triển thị trường bất động sản tại Phú Quốc là đúng đắn, tuy nhiên, nên biến Phú Quốc thành nơi phát triển du lịch môi trường.
“Nơi đây chỉ đi xe điện, phát triển điện gió, điện mặt trời, xây dựng môi trường sinh thái thuần khiết, tạo phong cách kiến trúc riêng… Nếu Phú Quốc làm được như vậy thì sẽ có tính hấp dẫn cao hơn rất nhiều, chưa nơi nào làm được”, ông Võ nói.
Kiên Giang có bờ biển nằm ở Vịnh Thái Lan, thay vì Biển Đông như các tỉnh thành khác. Đây là điều quý giá và khác biệt của môi trường biển tại đây. Đoạn biển từ Rạch Giá tới Hà Tiên đổ ra Phú Quốc là vị trí chiến lược để phát triển bất động sản du lịch.
“Kiên Giang phải bắt đầu phát triển bất động sản từ du lịch. Điều này vừa đảm bảo tính riêng biệt và hấp dẫn cho tỉnh này”, ông Võ nói.
Để phát triển tại Phú Quốc, đầu tiên, tỉnh Kiên Giang cần kêu gọi đầu tư hạ tầng từ các tập đoàn lớn, sau đó sẽ lôi kéo được các nhà đầu tư dịch vụ, sản xuất khác.
Chặn cơn sốt đất
Chuyện sốt đất là bình thường khi hạ tầng phát triển, tuy nhiên, nếu sốt ảo lại là điều đáng lo. Cơn sốt đất tại Phú Quốc chắc chắn có yếu tố ảo. Trong đó cán bộ quản lý tham gia vào đầu tư lướt sóng, người dân bị kéo theo, cũng là yếu tốt khiến giá đất sốt ảo.
“Cần công khai thông tin quy hoạch lên một trang điện tử. Việc công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, quyết định dự án… sẽ giúp ngăn chặn sốt ảo”, ông Võ đề xuất.
Ngoài ra, tại thời điểm sốt ảo, có thể áp dụng mức thuế cao đối với giao dịch chuyển nhượng bất động sản trong thời gian ngắn. Tuy nhiên một mình tỉnh Kiên Giang không thể áp dụng sắc thuế này mà cần có quy định chung trên cả nước.
Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của người dân về “lướt sóng”, cũng như về pháp lý bất động sản.