PGs.Ts. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết những năm qua, ngân sách nhà nước (NSNN) luôn trong tình trạng khó khăn, năm nào cũng bội chi, phải đi vay để xử lý bội chi nên hàng năm tiền trả nợ công chủ yếu chỉ xử lý phần lãi, còn tiền nợ gốc buộc phải cơ cấu lại bằng cách vay nợ mới trả nợ cũ (đảo nợ).
Trái phiếu kỳ hạn dài hấp dẫn
Cơ quan điều hành dự kiến trong năm 2018 dành 256.769 tỷ đồng (gần 11,3 tỷ USD) để trả nợ, gồm trả trực tiếp 256.769 tỷ đồng; trả nợ các dự án vay lại 18.561 tỷ đồng.
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tổng trị giá chi trả nợ trong 7 tháng đầu năm là 117.000 tỷ đồng. Trong số này, trả nợ trong nước là gần 90.000 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài trên 27.000 tỷ đồng, đạt hơn 40% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, do NSNN những năm qua gặp nhiều khó khăn, nên tiền nợ gốc buộc phải cơ cấu lại bằng cách vay nợ mới để trả nợ cũ thông qua hình thức phát hành TPCP.
Đơn cử, năm 2017 huy động từ TPCP là 244.221 tỷ đồng, nhưng NSNN phải vay đảo nợ 144.000 tỷ đồng.
Năm 2018, Kho bạc Nhà nước (KBNN) dự kiến phát hành 200.000 tỷ đồng TPCP. Tính đến ngày 15/8 đã phát hành khối lượng TPCP trị giá 100.161 tỷ đồng, nhưng giá trị thanh toán gốc và lãi TPCP đến hạn cũng lên tới gần 50.000 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia kinh tế, trước đây, các khoản huy động thường có thời gian ngắn, lãi suất cao, gây khó khăn cho NSNN, nhưng nay, kỳ hạn trả nợ bình quân của danh mục TPCP được kéo dài.
Chẳng hạn, năm 2011, trung bình kỳ hạn trả nợ từ 1,84 năm, tính đến hết tháng 7 năm nay đã tăng lên 6,76 năm. Lãi suất TPCP từ 12%/năm (năm 2011), sau nhiều lần đảo nợ hiện đã giảm xuống chỉ còn 4,44%/năm.
“Việc đảo nợ không chỉ giúp giảm áp lực trả nợ của ngân sách, mà còn góp phần lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia vì giảm được lãi suất đi vay bình quân và kéo dài được danh mục trả nợ”, ông Cường nói.
Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), gần 8 tháng đầu năm, đơn vị này đã tổ chức tổng cộng 122 đợt đấu thầu TPCP ở các kỳ hạn 5, 7, 10, 15, 20 và 30 năm.
Trong các kỳ hạn kể trên, trái phiếu kỳ hạn 10 năm có giá trị và tỷ lệ trúng thầu cao nhất, lần lượt là 39.000 tỷ đồng và 72%. Đứng thứ hai về cả giá trị và tỷ lệ trúng thầu là trái phiếu 15 năm, tương ứng là 28.879 tỷ đồng và 56%. Kỳ hạn 5 năm và 7 năm là 11.434 tỷ đồng và 6.710 tỷ đồng.
Kể từ năm 2017 đến nay, KBNN chỉ phát hành TPCP kỳ hạn 5 năm trở lên, không còn kỳ hạn 3 năm để bù đắp bội chi ngân sách.
Tại Diễn đàn Thị trường vốn – Tài chính được tổ chức mới đây, chia sẻ về kỳ hạn trái phiếu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trước đây TPCP chỉ kéo dài khoảng 3 năm, giờ chúng ta phát hành 10, 20 thậm chí 30 năm nhằm cân đối thị trường vốn ngắn hạn và dài hạn.
Theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh phát triển thị trường TPCP là giải pháp tốt cho Việt Nam hiện nay trong bối cảnh bội chi ngân sách chưa có dấu hiệu giảm.
Ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước – nhận định: “Hiện, Việt Nam có thị trường TPCP rất phát triển do thị trường có thanh khoản, cấu trúc kỳ hạn tốt và đã có đường cong lãi suất”.
Cần “kéo” nhà đầu tư ngoại
Cùng chung nhận định thị trường TPCP có những bước phát triển tích cực, tỷ lệ TPCP Việt Nam so với các nước trong khu vực cũng đã tăng, nhưng ông Ketut Kusuma – chuyên gia cao cấp về thị trường vốn, Ngân hàng Thế giới, cho rằng sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài chưa nhiều.
“Với trái phiếu và cổ phiếu, chúng ta cần dùng những thị trường khác nhau để làm tham chiếu. Với TPCP, vấn đề đặt ra là quy mô, tính minh bạch của thị trường, làm thế nào để tăng trưởng quy mô, giá trị trái phiếu, cách phát hành trái phiếu…”, ông Ketut Kusuma nói.
Về vấn đề tính minh bạch của thị trường, trên thực tế, thị trường trái phiếu tương đối minh bạch với nhà đầu tư trong nước, nhưng với nhà đầu tư nước ngoài thì chưa.
Hiện nay, TPCP dù hấp dẫn các nhà đầu tư, song theo dõi diễn biến các phiên đấu thầu từ đầu năm đến nay có thể thấy, tỷ lệ dự thầu cao nhưng tỷ lệ trúng thầu thấp.
Theo thống kê của HNX, trong 122 đợt đấu thầu TPCP, tổng khối lượng gọi thầu đạt 173.650 tỷ đồng, tổng khối lượng trúng thầu 100.161 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ trúng thầu 58%.
Đáng chú ý, chủ yếu là các doanh nghiệp, tổ chức trong nước tham gia đấu thầu, vắng bóng các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, các tổ chức tín dụng vẫn nắm hơn 80% lượng trái phiếu.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cảnh báo trong thời gian tới, lãi suất TPCP sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là ở những kỳ hạn dài. Điều này có thể sẽ giúp kích cầu thị trường, giải quyết rủi ro tái cấp vốn trước mắt, song nhà điều hành cần phải tính toán cẩn trọng bởi phát hành kỳ hạn dài giúp kéo dài thời gian trả nợ nhưng khoản gốc cuối cùng cũng đáo hạn và chi phí lãi vay định kỳ sẽ cao hơn.
Như vậy sẽ là mối lo ngại cho NSNN khi mà nợ công vẫn chưa có dấu hiệu giảm, khó khăn ngân sách vẫn được dự báo còn tiếp diễn trong những năm tới.