Lợi nhuận sụt giảm mạnh
Gần 70% nguyên vật liệu cấu thành sản phẩm săm lốp là cao su thiên nhiên, cao su tổng hợp và carbon đen (sản xuất chủ yếu từ dầu mỏ). Trong đó, cao su là thành phần chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 47% khối lượng của mỗi chiếc lốp. Do vậy, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất săm lốp sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giá cao su thiên nhiên, đồng thời cũng chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá dầu thô.
Sau khi tăng mạnh từ 150 Yên Nhật (JPY)/kg lên mức 367 JPY/kg trong giai đoạn từ nửa cuối năm 2016 đến nửa đầu năm 2017, giá cao su thiên nhiên đã bắt đầu ổn định ở xung quanh vùng 170 – 200 JPY/kg trong giai đoạn đầu năm 2018. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp quý I/2018 của các doanh nghiệp ngành săm lốp lại suy giảm, dẫn đến lợi nhuận ròng giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, lợi nhuận quý I/2018 của doanh nghiệp đầu ngành là Công ty CP Cao su Đà Nẵng ghi nhận mức thấp kỷ lục so với cùng kỳ trong vòng 5 năm trở lại đây. Doanh thu thuần chỉ đạt 733,5 tỷ đồng, giảm 18,5% so với quý I/2017. Trong khi đó, giá vốn hàng bán chỉ giảm 14,5% khiến lợi nhuận gộp giảm tới 42%, xuống còn 76,2 tỷ đồng. Với kết quả đó, biên lợi nhuận gộp quý I/2018 của Cao su Đà Nẵng chỉ ở mức 10%, giảm đáng kể so với con số 14,6% cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi chi phí, lãi ròng còn gần 20,7 tỷ đồng, giảm 70,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Biên lợi nhuận gộp giảm cũng là tình trạng chung của 2 doanh nghiệp đầu ngành khác là Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam và Công ty CP Cao su Sao Vàng. Kết thúc quý I/2018, lợi nhuận ròng của Cao su Miền Nam chỉ đạt 4,2 tỷ đồng, giảm 85% so với quý I/2017. Nguyên nhân chính là giá vốn tăng cao. Cụ thể, doanh thu thuần tăng trưởng 6,3%, đạt 795,6 tỷ đồng nhưng giá vốn tăng đến 10,5% khiến lãi gộp giảm 19,5% xuống 82,6 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tương ứng ở mức 10,3%, cùng kỳ năm 2017 là 13,7%.
Còn với Cao su Sao Vàng, lợi nhuận ròng quý I/2018 chỉ đạt gần 5 tỷ đồng, bằng 40% so với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân chính cũng do biên lợi nhuận gộp giảm từ 20% xuống còn 17,5%.
Tăng áp lực cạnh tranh
Biến động giá nhiên liệu đầu vào không phải là rủi ro duy nhất mà ngành săm lốp phải đối mặt, áp lực cạnh tranh trong ngành này cũng đang dần tăng lên do sự hiện diện của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam như Bridgestone Việt Nam (Nhật Bản), Kumho Tire (Hàn Quốc)… Bên cạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp FDI này cũng đang đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra còn phải kể đến sự xuất hiện của các sản phẩm săm lốp giá rẻ đến từ Trung Quốc.
Theo báo cáo phân tích của Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam, giá các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ hơn 15 – 20% so với sản phẩm của Cao su Đà Nẵng do: Các nhà máy Trung Quốc có công suất lớn hơn nhiều (đạt tính kinh tế về quy mô cao hơn); có thể tiếp cận với nguồn nguyên liệu nội địa trong khi Cao su Đà Nẵng phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu, thậm chí một phần cao su tự nhiên (cao su chất lượng cao từ Malaysia, Thái Lan…). Ngoài ra, hiện Việt Nam chưa có rào cản kỹ thuật (chất lượng) đáng kể đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Mặc dù thuế nhập khẩu đối với các dòng lốp xe từ Trung Quốc từng ở mức khá cao (17,5%), nhưng theo cam kết của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc, phần lớn thuế suất sẽ bị cắt giảm về 5% đến năm 2022 (theo Nghị định số 153/2017/NĐ-CP). Do đó, sự thiếu khác biệt rõ rệt về chất lượng sản phẩm cũng như gia tăng cạnh tranh từ săm lốp Trung Quốc sẽ tiếp tục tạo áp lực lên giá bán, khiến các doanh nghiệp ngành săm lốp Việt Nam khó chuyển các biến động giá đầu vào sang cho khách hàng.