Fed tăng lãi suất, lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, một số thị trường mới nổi bị rút vốn… được cho là những nguyên nhân khiến khối ngoại liên tục bán ra. Tuy nhiên nguyên nhân chính lại không phải như vậy.
Nhớ lại giai đoạn nửa cuối tháng 5, áp lực bán ròng của khối ngoại là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến VN-Index giảm mạnh về gần 900 điểm. Nhưng điểm khi VN-Index càng gần “đáy” ngắn hạn này, lượng bán ròng nhanh chóng suy giảm và sau khi thị trường hồi phục thì những phiên mua ròng xuất hiện trở lại.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc khối ngoại đã đổi trạng thái từ bán sang mua ở những thời điểm giá rẻ và sau đó bắt đầu có lợi nhuận. Việc VN-Index tăng từ 916 điểm vào ngày 29/5 lên mức 1.045 điểm ngày 11/6 tạo ra tỷ lệ lợi nhuận chung khoảng 15%, nhưng nhiều cổ phiếu (CP) đã phục hồi giá lên đến 20-30% là suất sinh lời quá sức hấp dẫn.
Cần nhấn mạnh, tỷ lệ lãi vài chục % nếu tính theo năm cũng đã trở nên lý tưởng đối với khối ngoại huống gì chỉ trong ngắn hạn. Nói vậy để thấy rằng, áp lực bán ra của nhà đầu tư nước ngoài không chỉ có những nguyên nhân như đã liệt kê ở phần đầu mà đó còn là việc chốt lãi chỉ trong thời gian ngắn. Minh chứng rất rõ ràng: SSI là một trong những CP được khối ngoại mua ròng nhiều nhất thời gian vừa qua đã tăng từ 27.500 đồng/CP cuối tháng 5 lên đến gần 35.000 đồng/CP vào đầu tháng 6, tương ứng tỷ lệ sinh lãi khoảng 27%.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc khối ngoại mua ở vùng giá dưới 30.000 đồng/CP và bán ra ở vùng trên 33.000 đồng/CP thì có thể thu được mức lãi trên dưới 10% chỉ trong chưa đầy một tháng, đây là một suất sinh lời đáng mơ ước khi thị trường không thuận lợi với các nhà đầu tư tổ chức. Có lãi thì phải chốt, mà chốt thì phải dứt khoát, nhất là khi khối lượng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn, nhưng chốt xong khối này cũng sẽ phải tìm cách mua trở lại.
Việc bán ra của khối ngoại còn có thêm mục đích cơ cấu danh mục đầu tư của mình và điều này cũng phổ biến khi các quỹ buộc phải có tỷ trọng CP tối ưu để tối đa hoá lợi nhuận. Việc bán ròng của khối ngoại có thể sẽ giảm dần và chấm dứt trong thời gian tới với ba điều kiện sau đây:
Thứ nhất, việc tái cơ cấu danh mục đầu tư của các quỹ hoàn thành. Trong đợt điều chỉnh diễn ra khoảng hai tháng qua, sức bật của từng nhóm CP, chất lượng doanh nghiệp niêm yết cũng đã lộ diện và tuỳ theo “khẩu vị” của mình, các quỹ sẽ lựa chọn các mặt hàng ưng ý nhất. Có thể nói, giai đoạn thị trường lình xình và biến động mạnh chính là thời cơ thuận lợi để các quỹ có thể mua vào mà không sợ bị đẩy giá.
Thứ hai, khi mặt bằng giá cả của thị trường ở mức hợp lý sẽ kích hoạt lòng tham của cả thị trường mua vào và lúc này động thái bán ròng của khối ngoại sẽ không thể “bẻ trend”. Điều này cũng được kỳ vọng sẽ sớm diễn ra khi mùa báo cáo tài chính quý II/2018 sắp bắt đầu. Các doanh nghiệp niêm yết sẽ công bố doanh thu, lợi nhuận, trong trường hợp tích cực sẽ nâng mức định giá CP lên qua đó có thể tạo ra một số CP có giá rẻ và thu hút dòng tiền mua vào.
Thứ ba, khi các thông tin quốc tế không còn quá bi quan cũng có thể làm dịu bớt áp lực bán ra của khối ngoại. Thực tế, việc Fed tăng lãi suất đã được dự báo từ trước và lộ trình đã được định sẵn nên điều này cũng dần phản ánh vào diễn biến của thị trường.
Một điều cần nhấn mạnh ở đây là nếu thị trường Việt Nam vẫn có thể chứng tỏ sức hấp dẫn của mình thông qua việc ngày càng có nhiều hàng hoá mới niêm yết, lợi nhuận, minh bạch thông tin được cải thiện thì việc tạo ra điểm sáng khác biệt như những năm qua vẫn rất khả thi và áp lực bán ròng của khối ngoại chỉ mang tính ngắn hạn.