Xem lại thời gian


Đúng ra, thông 02 của NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD phải được áp dụng ngay từ ngày 1.6.2013. Quyết định lùi thời gian thực hiện quy định này tới 1 năm được lãnh đạo NHNN lý giải là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận vốn vay, hỗ trợ thúc đẩy tín dụng cho nền kinh tế, tạo mặt bằng lãi suất cho vay và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.


Đồng thời, cũng giúp cho các ngân hàng có thêm thời gian chủ động xây dựng lộ trình thực hiện và chuẩn bị các điều kiện áp dụng đầy đủ, qua đó góp phần triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu…


Nay thì thời hạn áp dụng văn bản trên đang đến gần và một lần nữa, không ít các ngân hàng lại bày tỏ lo ngại về thời hạn áp dụng cũng như những tác động chắc chắn là không nhỏ đến kết quả phân loại nợ, tỉ lệ nợ xấu cũng như mức trích lập dự phòng rủi ro của mỗi nhà băng…


Các ý kiến càng trở nên dồn dập hơn khi ông Đặng Văn Thảo – Phó Chánh thanh tra (NHNN) – mới đây khẳng định sẽ không lùi thêm thời hạn áp dụng thông tư này. Dẫn bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, sức khỏe của ngân hàng cũng như của các doanh nghiệp còn yếu, TGĐ Ngân hàng Quân đội – ông Lê Công – cho rằng việc áp dụng thông tư trên sẽ gây thêm khó khăn cho các ngân hàng và doanh nghiệp. Chủ tịch HĐQT Vietinbank – ông Phạm Huy Hùng – thậm chí còn đề nghị NHNN tiếp tục hoãn việc thực hiện đến năm 2015. Bởi theo ông này, với thực lực của các ngân hàng hiện nay, có “bày” hết ra cũng không xử lý được.


Khả năng điều chỉnh


Điểm chung, phần đông các ngân hàng cũng như giới chuyên gia tài chính đều có cùng quan điểm khi nhìn nhận, việc áp dụng quy định phân loại nợ trên sẽ khiến tỉ lệ nợ xấu và mức trích lập dự phòng tại các ngân hàng sẽ gia tăng mạnh. Ngoài sức ảnh hưởng đến câu chuyện lợi nhuận của mỗi nhà bằng, nợ xấu tăng cao một lần nữa lại tạo thêm tâm lý e ngại và thắt chặt cho vay từ phía các nhà băng.


Cũng cần nhắc lại rằng, với hàng loạt các biện pháp kích thích, nới lỏng và đẩy mạnh xử lý cục máu đông nợ xấu, tín dụng trong cả năm 2013 nhiều khả năng chỉ ở mức 10% cho thấy khả năng và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn khá yếu.


Chưa kể, nhờ Quyết định 780 của NHNN, có hơn 300.000 tỉ đồng tổng số dư các khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ và tổng số dư các khoản nợ không bị chuyển sang nợ xấu do được giữ nguyên nhóm nợ là gần 180.000 tỉ đồng. Không có quyết định này, tỉ lệ nợ xấu của toàn hệ thống có thể lên tới 8% tổng dư nợ. Áp dụng quy định phân loại nợ theo thông tư 02 đồng nghĩa với việc sẽ không có chuyện giữ nguyên nhóm nợ như trên.


Chính vì vậy, việc tạm dừng, hoãn hay kéo dài thêm thời hạn áp dụng các quy định trong thông tư 02 trên đây cần một sự đánh giá thận trọng và tỉ mỉ từ phía NHNN. Một tổ chức đầu tư đưa nhìn nhận, khi thông tư này đi vào thực tiễn, nhiều khả năng tỉ lệ nợ xấu và tỉ lệ tài sản đã đầu tư không sinh lời ở các TCTD sẽ tăng lên đáng kể.


Song ngược lại, “điều này cũng đồng nghĩa với việc các số liệu trở nên thực chất hơn và các TCTD nhìn nhận được đúng bản chất các vấn đề rủi ro của chính mình, từ đó đưa ra được hướng xử lý và giải quyết triệt để và đúng trọng tâm”. Sự an toàn, lành mạnh và minh bạch trong điều hành và quản lý cũng như trong tình hình hoạt động của các TCTD theo đó cũng sẽ được cải thiện đáng kể so với khoảng thời gian trước đó.


Do đó, dựa trên các đánh giá tác động cũng như để tránh tạo ra cú sốc với hệ  thống ngân hàng và nền kinh tế, một tổ chức đầu tư cho rằng rất có thể NHNN sẽ có những điều chỉnh cần thiết đối với thông tư 02 để phù hợp hơn với hoàn cảnh thực tế cũng như tình trạng của các TCTD.


Động thái NHNN mới đây yêu cầu các TCTD tự dự kiến việc áp dụng thông tư kể trên sẽ có tác động như thế nào, đặc biệt là về tỉ lệ nợ xấu và các tài sản đã đầu tư không sinh lời gợi mở rất nhiều khả năng điều chỉnh.