Năm nay, sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong quí 1 được ANZ nhận định là bất ngờ và ngoài quy luật. Trong các năm trước, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thường có xu hướng theo mùa, tức là tăng trưởng chậm vào quí 1 trước khi tăng dần lên về cuối năm.
Các chỉ số vĩ mô khả quan
Với mức GDP của quí 1 – 2018 nằm ở mức 7,4%, ANZ dự báo GDP cả năm 2018 sẽ đạt mức 6,8%, tạo đà cho mức dự kiến 7% năm 2019. Ngành nông nghiệp trong nước đã có mức tăng trưởng 4,1%, là mức tăng trưởng quí cao nhất kể từ khi ANZ bắt đầu tích hợp các báo cáo GMEO vào năm 2012. Ngành công nghiệp cũng đã ghi dấu ấn khi chạm mức 10,1% nhưng đà tăng của khu vực sản xuất công nghiệp gần đây cũng đã chững lại. Một loạt các sản phẩm mới trong ngành hàng điện tử tiêu dùng được giới thiệu vào năm 2017 đã thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực này. Hiện việc sản xuất đã đi vào ổn định và ANZ cho rằng tăng trưởng công nghiệp sẽ chỉ tăng ở mức vừa phải thời gian tới.
Về xuất nhập khẩu, với mức tăng trưởng xuất khẩu trung bình trong năm tháng đầu năm là 15,8%, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang diễn ra sôi động. Ngược lại, đà tăng trưởng nhập khẩu đang tụt hậu hơn so với xuất khẩu, dẫn đến thặng dư thương mại đạt giá trị 3,4 tỉ đô la.
Theo ANZ, trong khi xuất khẩu vẫn hỗ trợ tăng trưởng thì đóng góp ròng từ sản xuất của khối doanh nghiệp trong nước còn ở mức hạn chế. ANZ đánh giá sự cải thiện trong cán cân thương mại chủ yếu là nhờ vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, khu vực này đang có dấu hiệu chững lại khi tổng vốn đăng ký FDI trong năm tháng đầu năm nay chỉ đạt 4,7 tỉ đô la Mỹ. Dù vậy, theo quan sát của ANZ, việc thặng dư thương mại tăng đã giúp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường dự trữ ngoại hối quốc gia. Dữ liệu từ Chính phủ cho thấy tính đến tháng 5-2018, dự trữ ngoại hối đã đạt mốc 64 tỉ đô la Mỹ.
ANZ đánh giá việc Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tháng 3-2018 sẽ là một triển vọng tích cực cho đầu tư FDI.
Báo cáo của ANZ cho thấy lạm phát đã có xu hướng tăng dần, đạt 3,9% trong tháng 5-2018. Ngân hang này dự báo lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong năm 2019, đạt mức trung trung bình 4,2%.
Đồng Việt Nam tiếp tục mất giá
Báo cáo của ANZ cho biết những yếu tố kể trên như tăng trưởng GDP mạnh mẽ với lạm phát được kiềm chế, dòng vốn FDI khả quan, và cán cân thương mại được cải thiện đã hỗ trợ phần nào cho đồng tiền Việt Nam. Tuy nhiên, sự tăng giá của đồng đô la Mỹ trong những tháng gần đây đã khiến tiền đồng tiếp tục mất giá so với đô la Mỹ. ANZ cũng cảnh báo một số rủi ro cho tỷ giá trong thời gian tới như vấn đề thương mại giữa Mỹ và châu Á có thể ảnh hưởng đến Việt Nam. Ngoài ra, giá dầu thế giới tăng cao hơn có thể thúc đẩy lạm phát trong nước. Trong khi đó, NHNN đang liên tục điều chỉnh tăng tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam, đặc biệt là vào tháng 4-2018. Dựa trên những quan sát này, ANZ dự báo tỷ giá đô la Mỹ/ đồng Việt Nam sẽ ở mức 22.780 vào cuối năm 2018, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái.