Không ngồi nhà để chờ
“Chúng tôi không thể ngồi nhà chờ các nhà đầu tư tìm đến Việt Nam. Nguồn vốn ngoại luôn dồi dào, trong khi các công ty Việt Nam cần vốn dài hạn để đáp ứng chiến lược phát triển của mình”, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành, kiêm Trưởng bộ phận đầu tư của VinaCapital đã nói như vậy sau khi trở về từ London (Anh).
Vài ngày trước, ông Andy Ho cùng các cộng sự và Tập đoàn Maybank Kim Eng, 6 doanh nghiệp Việt Nam đến thị trường tài chính London để quảng bá thị trường vốn và các cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp. Vietjet, HDBank, Eximbank, Coteccons, PNJ và FPT Retail được VinaCapital và Maybank Kim Eng coi là những câu chuyện tăng trưởng vượt bậc của các doanh nghiệp Việt Nam mà họ đem ra giới thiệu với thế giới. Đặc biệt, với quyết tâm của Chính phủ trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, sự quyết liệt trong việc cổ phần hoá và thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước, cùng với mức tăng trưởng của thị trường chứng khoán vào loại mạnh nhất trong khu vực châu Á năm 2017 đã đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế.
Vậy nên, gần 100 nhà đầu tư đang quản lý tổng giá trị tài sản hơn 7.000 tỷ USD trên toàn cầu đã có mặt tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tài chính vào doanh nghiệp Việt Nam (Vietnam Corporate Day) tổ chức tại London (Anh) đầu tháng 3/2018. JP Morgan, Lazard, Royal Bank of Canada, HSBC và Amundi xuất hiện và bị thu hút bởi tham vọng trong chiến lược phát triển của các doanh nghiệp này.
Ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc FPT Retail cho biết, bên cạnh hai chuỗi bán lẻ hàng công nghệ hiện có là FPT Shop và F.Studio, FPT Retail đang khám phá một ngành kinh doanh mới.
Nhà bán lẻ này đang bắt tay với Apple để phát triển chuỗi 100 cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm trong vòng 2-3 năm tới. Hiện số lượng cửa hàng ủy quyền chính hãng Apple tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở con số 15, ít hơn nhiều nếu so với Thái Lan (480 cửa hàng), Indonesia (364 cửa hàng) hay Singapore (527 cửa hàng). FPT Retail đang sở hữu 9 cửa hàng ủy quyền chính hãng của Apple, thông qua chuỗi cửa hàng F.Studio.
Theo thống kê của FPT Retail, thị trường các sản phẩm của Apple tại Việt Nam trị giá khoảng 900 triệu USD, nhưng tới 40% trong số đó là các sản phẩm xách tay, vốn không được Apple áp dụng chính sách bảo hành. “Đó là miếng bánh mà các chuỗi bán lẻ có quy mô lớn như FPT Retail đang nhắm tới”, ông Việt Anh nói.
FPT Retail vẫn tiếp tục phát triển mảng kinh doanh truyền thống cốt lõi. Với mảng này, FPT Shop sẽ mở thêm 200 cửa hàng trong 2 năm 2018 – 2019 để nâng tổng số cửa hàng lên 680.
Kế hoạch của FPT Retail khiến các nhà đầu tư rất hào hứng. Lượng nhà đầu tư đặt lịch hẹn với FPT Retail cũng rất đông.
Ông Luke Fizia, đại diện Công ty quản lý quỹ Camplell Munro (Anh) ấn tượng với các ngành bán lẻ, ngân hàng. Đặc biệt, khoảng 30% người dân Việt Nam sử dụng tài khoản ngân hàng, đó là cơ hội lớn cho nhà đầu tư ngoại.
Theo ông Andy Ho, nhà đầu tư quốc tế quan tâm đến nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, cả doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn, lẫn doanh nghiệp cổ phần hóa, sắp IPO. VinaCapital kỳ vọng tạo kênh đầu tư gián tiếp bùng nổ cho các nhà đầu tư. Quỹ này đã trải qua một năm đầu tư sôi động khi giải ngân được 200 triệu USD và kỳ vọng năm nay sẽ giải ngân được 150 triệu USD.
“Chúng tôi nhắm vào ngân hàng, cổ phần hóa và IPO. Tuy nhiên, một số thương vụ IPO của mấy doanh nghiệp nhà nước có giá cao quá. Chúng tôi phải cân nhắc vì nếu đầu tư, chúng tôi sẽ không có lợi nhuận cao”, ông Andy Ho nói.
Ẩn số dòng vốn
Theo dõi 4 quỹ giao dịch trao đổi (ETF) đầu tư tại Việt Nam (gồm Db FTSE, VanEck Market Vector Vietnam ETF, VFM VN30, KIM KINDEX Synth-Vietnam VN30) cũng thấy rõ, việc tăng chứng chỉ quỹ chủ yếu vào tháng 1 và tháng 2/2018. Lượng chứng chỉ quỹ phát hành được rất ít, thậm chí bị rút. Điều này cho thấy có sự liên thông giữa dòng vốn nước ngoài tại Việt Nam với các diễn biến trên thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt tại Mỹ.
Báo cáo cập nhật dòng vốn toàn cầu tháng 2/2018 vừa được SSI đưa ra đã chỉ rõ, mặc dù chưa phải quá lo lắng về xu hướng rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng những diễn biến mới tại Mỹ đang tạo ra nhiều ẩn số cho xu hướng dòng vốn toàn cầu và tại Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ nhất, nguy cơ về một cuộc chiến tranh thương mại. Cuộc chiến thương mại sẽ ảnh hưởng đến các nước xuất khẩu nhiều vào Mỹ, trong đó có Việt Nam. Từ đây sẽ có nhiều hệ quả như cán cân thương mại, tỷ giá, ảnh hưởng đến tăng trưởng và tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất do lạm phát. Bên cạnh yếu tố lạm phát đến từ chiến tranh thương mại, lạm phát còn đến từ nhiều nguyên nhân khác, bao gồm việc tăng lương. Nếu khả năng Fed nâng lãi suất 4 lần trong năm 2018, chiến lược phân bổ tài sản và xu hướng dòng vốn trên toàn cầu rất có thể sẽ thay đổi.
Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của SSI, việc Fed nâng lãi suất như dự kiến và nhanh hơn dự kiến là 2 việc khác nhau. Nếu Fed nâng lãi suất như dự kiến là 3 lần, mỗi lần 0,25% trong năm 2018, thị trường tài chính sẽ không bị bất ngờ. Tuy nhiên, từ cuối tháng 2/2018 đến nay, khả năng cao là Fed sẽ nâng lãi suất 4 lần và đây là diễn biến mới, có thể ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.
Trong lịch sử nâng lãi suất kể từ năm 2015, ban đầu giới đầu tư có xu hướng chuyển vốn từ các thị trường mới nổi trở về Mỹ. Đây là một khả năng, nhưng không phải lúc nào cũng xảy ra, bởi như năm 2017, Fed nâng lãi suất 3 lần, nhưng dòng vốn vẫn đổ vào các thị trường mới nổi. Như vậy, thì trong một kịch bản thực sự xấu, dòng vốn sẽ bị rút ra hoặc ít nhất là không vào thêm Việt Nam khi Fed nâng lãi suất 4 lần.
Chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump là một ẩn số rất lớn cho thị trường tài chính, bởi các chính sách này ảnh hưởng trực tiếp đến lạm phát và khả năng Fed nâng lãi suất tại Mỹ, cũng như tăng trưởng kinh tế của các quốc gia bị ảnh hưởng. Gần đây, ông Donald Trump đưa ra quan điểm cần tăng thuế đối với thép và nhôm, đây có thể là điểm khởi đầu của một cuộc chiến thương mại kéo dài, mà tác động tiêu cực của nó rất khó có thể biết trước. Đây chính là ẩn số cần phải theo dõi sát trong thời gian tới.
So với trước kia, sự đa dạng về hàng hóa và độ sâu (thanh khoản) của thị trường hiện cao hơn rất nhiều. Xu hướng dịch chuyển đa dạng hóa đầu tư, cũng như quy mô của dòng vốn ngoại vào thị trường cũng đang thay đổi và tăng lên mạnh hơn. Mỗi nhà đầu tư tổ chức quốc tế đều có các mục tiêu/tiêu chuẩn đầu tư cụ thể, khác nhau. Tuy nhiên, việc cần đa dạng hóa và tối ưu danh mục đầu tư định kỳ thường là các yêu cầu chung để đạt lợi suất tốt nhất (giảm thiểu được rủi ro nhất) khi tương quan với thị trường.
Bà Tô Thùy Linh, Phó giám đốc Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) nhận định, thị trường niêm yết ngày càng có nhiều hàng hóa đến từ cổ phần hóa, thoái vốn, niêm yết mới doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, cơ cấu tập trung ngành nghề, xuất hiện nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn đại diện cho nền kinh tế Việt Nam, khiến rổ cổ phiếu trên thị trường thay đổi. Dòng vốn cũng có xu hướng dịch chuyển, tìm tới các cổ phiếu đại diện để đầu tư.
Ngoài ra, theo bà Linh, rất nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có hoạt động kinh doanh tiềm năng tăng trưởng tốt, mức định giá phù hợp, thậm chí rẻ, cũng thu hút dòng tiền đi tìm kiếm cơ hội sinh lời vượt trội, trước khi được nhìn nhận và định giá lại bởi thị trường.
Như vậy, với sự quan tâm của các định chế tài chính tầm cỡ và sự tăng trưởng khả quan của kinh tế vĩ mô, sự chủ động của doanh nghiệp và các nhà đầu tư trên toàn cầu sẽ có thêm niềm tin để quyết định đầu tư dòng vốn mới và quy mô lớn vào các doanh nghiệp Việt Nam.