Từ những nhu cầu rõ ràng
Tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đã tăng 8% trong năm tháng đầu năm nay, trong khi sáu tháng đầu năm 2017 chỉ tăng 7,3%. Có thể thấy tín dụng ngoại tệ đã liên tiếp tăng mạnh ngay từ những tháng đầu năm, khi mà lãi suất vay đô la Mỹ vẫn thấp hơn nhiều so với tiền đồng. Cụ thể, tín dụng ngoại tệ đến cuối tháng 3 tăng 5,4%, cuối tháng 4 tăng 6,3% và cuối tháng 5 tăng 8% như đã nói ở trên.
Ngược lại, huy động ngoại tệ giảm 3,1% vào cuối tháng 5, theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG).
Việc tín dụng ngoại tệ tăng nhanh nhưng tiền gửi ngoại tệ sụt giảm đã đẩy tỷ lệ dư nợ/tiền gửi ngoại tệ tăng mạnh từ mức 71,6% vào cuối năm 2017 lên mức 82,8% vào cuối tháng 5. Nếu ước tính theo con số tỷ trọng của UBGSTCQG, thì tiền gửi ngoại tệ vào cuối năm 2017 cao hơn dư nợ ngoại tệ gần 150.000 tỉ đồng nhưng đến nay mức chênh lệch này đã giảm về chỉ còn một nửa.
Điều này cho thấy thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng đã sụt giảm khá mạnh.
Bên cạnh đó, việc thời gian qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua một lượng ngoại tệ lớn từ các tổ chức tín dụng (TCTD) để tăng dự trữ ngoại hối càng khiến thanh khoản ngoại tệ tại các ngân hàng thêm giảm sút. Cần lưu ý là lãi suất cho vay qua đêm đô la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng sau khi duy trì ở mức 1,5% trong những tháng đầu năm nay đã tăng mạnh lên trên mốc 1,7% từ đầu tháng 4.
Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu đã đẩy mạnh vay ngoại tệ trong năm 2017 cũng như năm tháng đầu năm nay. Theo quy định tại Thông tư số 18/2017/TT-NHNN, nhóm doanh nghiệp này sẽ phải tất toán các khoản vay ngoại tệ vào cuối năm 2018. Do đó, nhu cầu ngoại tệ từ nhóm này vào thời điểm cuối năm để thanh toán các khoản vay cho ngân hàng là rất đáng kể. Trong những năm trước đây, lực cầu này là một trong những yếu tố chính gây sức ép lên tỷ giá.
Đến những ẩn số khó lường
Nếu như lực cầu từ ngân hàng và nhóm doanh nghiệp vay ngoại tệ có thể tính toán được và nằm trong khả năng kiểm soát của nhà điều hành, thì ngược lại, nhu cầu từ các đối tượng khác có thể xem là những ẩn số khó dự báo.
Đầu tiên là nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu. Trong tháng 5 vừa qua, cán cân thương mại hàng hóa đã đảo chiều, nhập siêu quay trở lại sau ba tháng xuất siêu liên tiếp.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5, xuất khẩu đạt 19,95 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,6% so với tháng 4, nhưng nhập khẩu lên đến 20,91 tỉ đô la Mỹ, cao kỷ lục từ trước đến nay, tăng mạnh 21,5% so với tháng 4. Theo đó, mức nhập siêu tháng 5 lên tới 960 triệu đô la Mỹ, cao gần gấp đôi so với mức nhập siêu ước tính chỉ 500 triệu đô la Mỹ trước đó của Tổng cục Thống kê.
Với những bất đồng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hoạt động giao thương của Việt Nam sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng, nhất là xuất khẩu. Trong khi đó, lượng hàng hóa dư thừa của Trung Quốc do không thể xuất vào Mỹ có thể tràn vào Việt Nam hoặc chọn Việt Nam như là một nước trung gian thứ ba để vào Mỹ nhằm lách các quy định thuế quan. Dù là theo cách nào thì điều đó cũng sẽ gây áp lực lên cán cân thương mại của Việt Nam, đẩy giá trị kim ngạch nhập khẩu tăng đột biến, theo cả đường chính thức lẫn phi chính thức.
Một ẩn số khác là từ động thái bán ròng liên tiếp của khối ngoại trên thị trường chứng khoán. Mặc dù Việt Nam vẫn chưa chứng kiến dòng vốn nước ngoài tháo chạy mạnh mẽ như các nền kinh tế khác (Indonesia, Ấn Độ, Argentina hay Thổ Nhĩ Kỳ) nhưng vẫn không có gì là chắc chắn trong thời gian tới. Dòng tiền bán ròng này có được đầu tư trở lại vào các doanh nghiệp khác trên sàn, tạm thời đứng yên hay bị rút ra hoàn toàn? Cần phải quan sát kỹ điều này trong thời gian tới, nhất là khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm và cho biết sẽ còn thêm hai lần tăng lãi suất nữa trong năm nay!
Tỷ giá trong nước đã liên tiếp đi lên trong những tuần gần đây, theo diễn biến của đồng đô la Mỹ trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, trong buổi sáng đầu tuần này (18-6), tỷ giá trên thị trường tự do bất ngờ tăng mạnh 100 đồng cả chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước đó, theo đó đã vượt mốc 23.000 đồng/đô la Mỹ. Mức tăng mạnh đến 100 đồng là đáng chú ý khi mà suốt một thời gian dài, biên độ dao động trong ngày trên thị trường này chỉ ở mức tối đa 20 đồng/đô la Mỹ. Nếu nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy rủi ro tỷ giá ngày càng tăng thì quyết định rút vốn sẽ là điều tất yếu, khi đó sẽ càng làm tăng nhu cầu ngoại tệ và gây áp lực lên tỷ giá.
Và không chỉ nhà đầu tư nước ngoài, giới đầu tư trong nước cũng có thể lựa chọn dịch chuyển sang nắm giữ đô la Mỹ trở lại nếu nhận thấy rủi ro tỷ giá và lạm phát tăng lên. Trong suốt hơn hai năm trở lại đây, dòng vốn đã có sự dịch chuyển từ ngoại tệ sang tiền đồng trong bối cảnh lãi suất huy động đô la Mỹ về 0% và thị trường ngoại hối cực kỳ ổn định. Tuy nhiên, bất kỳ cú sốc nào cũng có thể khiến sự dịch chuyển này đảo chiều, nhất là khi đô la Mỹ đang tiếp tục tăng mạnh trên thị trường thế giới.
Trong khi đồng tiền của rất nhiều nước liên tục giảm giá so với đô la Mỹ thì tiền đồng của Việt Nam thể hiện sự vượt trội khi từ đầu năm đến nay chỉ mới mất giá chưa đến 1% so với đô la Mỹ. Dù đây là điều tích cực nhưng cũng không loại trừ một số quan điểm cho rằng tiền đồng đang được định giá quá cao so với giá trị thực, do đó không sớm thì muộn cũng sẽ được điều chỉnh mạnh hơn để bám sát xu hướng thị trường.