Theo báo cáo mới nhất của Google và Temasek, thị trường TMĐT Đông Nam Á đạt đến con số 11 tỷ USD vào năm 2017, tăng 41% so với năm 2015. Trong đó, Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ phát triển TMĐT nhanh nhất, đạt 33%.
Cạnh tranh sẽ khốc liệt
Khảo sát về ứng dụng mua sắm tại Việt Nam của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy Việt Nam chỉ đứng sau Singapore về tổng thời gian người dùng trực tuyến. Số người dùng điện thoại di động tại Việt Nam chiếm 95%, trong đó điện thoại thông minh chiếm đến 78%.
“Có đến 79% người dùng xem sản phẩm trên ứng dụng đi động hoặc website. Và 75% dùng điện thoại thông minh để tìm kiếm thông tin về sản phẩm trước khi mua hàng”, Nielsen cho biết.
Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 – 2020.
Đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website TMĐT cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%.
Đối với lĩnh vực thanh toán, theo thông tin từ công ty cổ phần Thanh toán quốc gia (NAPAS), năm 2017, số lượng giao dịch tăng trưởng tới 75%.
Với hơn 95 triệu dân, thị trường TMĐT Việt Nam được dự báo sẽ đạt doanh thu 7,5 tỷ USD vào năm 2025, vì vậy chắc chắn sẽ xảy ra cuộc đua khốc liệt của các “đại gia” công nghệ với sự hậu thuẫn mạnh mẽ về công nghệ, tài chính và quản trị.
Trên thực tế, trong tháng 3 này, Amazon sẽ khởi động một chương trình hợp tác cùng VECOM để hỗ trợ các DN nhỏ và vừa Việt Nam. Thông qua chương trình này, các DN Việt Nam có thể nắm rõ cách thức để đưa hàng hóa của mình bán trên Amazon, XK sang các thị trường quốc tế.
Ông Gijae Seong – điều hành Amazon Global Selling (Singapore), chia sẻ tham vọng của Amazon là giúp các DN Việt Nam có thể ngồi tại Việt Nam bán hàng qua Mỹ, châu Âu mà không cầu tới văn phòng.
“Chúng tôi sẽ cho phép người bán, cá nhân tham gia vào mạng lưới bán lẻ của Amazon, đó gọi là bán hàng toàn cầu. Trong một vài năm tới, bán hàng xuyên biên giới kỳ vọng phát triển 20 – 30% mỗi năm”, ông Gijae Seong dự báo.
Thông tin “đại gia” TMĐT Mỹ đổ bộ vào thị trường Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ cuối năm ngoái khi VECOM có buổi làm việc với đại diện của Amazon.
Tuy nhiên, không chỉ Amazon, hàng loạt “ông lớn” TMĐT đã nhìn thấy tiềm năng ở thị trường gần 100 triệu dân Việt Nam, điển hình nhất là Alibaba của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma cũng đã thâm nhập vào Việt Nam với việc mua lại trang mua sắm trực tuyến Lazada. Bên cạnh đó, trang TMĐT Shopee cũng nhận được khoản đầu tư 500 triệu USD từ Tencent (DN có giá trị vốn hóa lớn nhất châu Á). Tháng 1 vừa qua, JD.com cũng trở thành cổ đông lớn khi rót cả nghìn tỷ đồng vào Tiki.vn.
Như vậy, cộng với sự gia nhập chính thức của Amazon, 3 trong số 4 “đại gia” lớn nhất thế giới về TMĐT đã có mặt tại Việt Nam, cùng những chiến lược giành thị phần khác nhau. Đây đều là những cơ hội để các DN Việt đưa hàng hóa của mình đến với đông đảo người dùng thông qua hình thức mua sắm trực tuyến ngày càng được ưa chuộng.
Muốn “sống” phải thay đổi
Thị trường đa dạng, có sự xuất hiện của các “ông lớn” đi liền nó là sự cạnh tranh quyết liệt, chắc chắn các DN TMĐT Việt Nam sẽ đối mặt với sự khó khăn để trưởng thành, lấy thị phần và phát triển.
Đánh giá về động thái tấn công thị trường Việt Nam của Amazon, ông Phạm Tấn Đạt, CEO của Fado.vn, chia sẻ để thâm nhập vào thị trường Việt Nam, Amazon cần có thời gian dài và tùy theo chiến lược của họ.
Tuy nhiên, Amazon là “người khổng lồ”, để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh này, các sàn TMĐT Việt Nam cần phải có nguồn lực và kinh doanh uy tín.
Ông Đạt nhận xét khác biệt lớn nhất của Amazon so với các sàn TMĐT của Việt Nam chính là việc xử lý vấn nạn hàng giả, hàng nhái. “Trên Amazon vẫn có hàng giả, hàng nhái, tuy nhiên họ rà soát chặt chẽ, phát hiện sai phạm là xử lý ngay. Thực tế đã có một số DN Việt Nam, DN nước ngoài bị khóa tài khoản. Thậm chí, nhiều DN bị khởi kiện vì kinh doanh hàng không đạt chất lượng, phải đổi trả sản phẩm, hoàn tiền cho người tiêu dùng”.
So sánh với các sàn TMĐT hiện nay, ông Đạt cho biết ở Việt Nam, tình trạng hàng nhái, hàng giả vẫn là mối lo ngại lớn nhất của người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến. Nguyên nhân này một phần vì các sàn giao dịch TMĐT của Việt Nam do chạy đua lấy thị phần, tham vọng tăng trưởng đã cố tình lờ đi.
“Muốn cạnh tranh và phát triển bền vững, các DN TMĐT của Việt Nam cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đảm bảo chất lượng hàng hóa cung cấp trên sàn giao dịch của mình, qua đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chứ không đơn thuần chỉ cung cấp nền tảng công nghệ để người mua và người bán gặp nhau. Bản thân các sàn TMĐT Việt Nam phải thay đổi nhận thức”, ông Đạt khuyến nghị.
Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, đại diện Nielsen miền Bắc, cho rằng việc Amazon có ý định vào Việt Nam rõ ràng cho thấy thị trường Việt Nam rất hấp dẫn, giàu tiềm năng, đến nay đã hút hết các nhà bán lẻ trên thế giới.
“Khi Amazon vào sẽ làm thay đổi cục diện thị phần của các nhà cung cấp, chiến lược kinh doanh TMĐT. DN trong nước cần cố gắng nỗ lực hơn nữa, đạt tới mức độ tầm cỡ quốc tế để cạnh tranh với các “ông lớn” ngoại quốc, đồng thời trở thành động lực phát triển TMĐT, dịch vụ tại Việt Nam”, bà Hà cho biết.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Sỹ Hà, công ty CP Mắt Bão, đánh giá các DN Việt Nam cần thay đổi, cải thiện, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đổ bộ này, nếu không muốn sớm trở thành “vang bóng một thời”.
“Chúng ta cần phải chuẩn bị thay đổi cách làm truyền thống lâu nay để có chiến lược phù hợp với xu thế TMĐT thế giới”, ông Hà nói.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), nhấn mạnh việc ký nhiều hiệp định thương mại tự do hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có tác động tích cực tới phát triển TMĐT.
“Để cạnh tranh, các DN cần phải có chiến lược tốt, đồng thời mỗi DN chỉ giỏi một mặt, vì vậy nên kết nối với nhau để đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và lợi ích cho chính DN”, ông Hải cho biết thêm.