Chiều ngày 16-7-2018, Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước – Giải khát Sài Gòn (Sabeco) công bố bổ sung tài liệu cho đại hội đồng cổ đông tổ chức ngày 21/7 tới. Đáng chú ý là tờ trình ứng cử viên vào vị trí thành viên hội đồng quản trị công ty nhiệm kỳ 2018 – 2023.
Trong danh sách ứng cử này không có ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc đương nhiệm của Sabeco. Ông Nam hiện vẫn là nhân sự thuộc Bộ Công Thương phụ trách, quản lý.
Được biết, đầu tháng 5-2017, Bộ Công Thương đã nhất trí đề nghị bổ nhiệm ông Nguyễn Thành Nam, Đại diện vốn nhà nước, Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc Sabeco giữ chức Tổng giám đốc Sabeco.
Ông Nguyễn Thành Nam sinh năm 29/12/1970 tại Hà Nội, là thạc sĩ Quản lý kinh tế và Nhà nước tại Université Libre de Bruxelles (Bỉ). Ông Nam bắt đầu làm việc tại Sabeco từ năm 1991 với chức vụ là nhân viên Phân xưởng Cơ khí.
Sau đó, ông từng làm việc tại nhiều vị trí như Phó phòng cung ứng Công ty Bia Sài Gòn, Phó Ban cung ứng của Tổng công ty Bia Sài Gòn, Trưởng phòng kế hoạch cung tiêu, trưởng ban mua hàng, Phó tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc Nhà máy Bia Sài Gòn – Củ Chi.
Nhiều ứng cử viên
Danh sách tờ trình gồm 7 người, trong đó có ông Koh Poh Tiong (sinh năm 1946), quốc tịch Singapore. Ông Koh Poh Tiong vốn là một trong 3 người đã được bầu bổ sung vào HĐQT Sabeco tại đại hội bất thường hồi tháng 4 vừa qua, và giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.
Ông Koh Poh Tiong hiện cũng là giám đốc Fraser & Neave kiêm Chủ tịch ThaiBev/F&N Beer Group. Ông còn giữ vai trò điều hành, đồng thời là thành viên HĐQT trực tiếp và gián tiếp ở nhiều tổ chức, tập đoàn khác tại Singapore, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc…
Thành viên tiếp theo nằm trong kế hoạch tiếp quản Sabeco của Thaibev là bà Trần Kim Nga. Bà Nga được bổ nhiệm thành viên HĐQT tạm thời của Sabeco theo đề xuất của tân Chủ tịch Koh Poh Tiong hồi giữa tháng 5 vừa qua.
Bà Nga sinh năm 1961, là Tổng giám đốc của VietBev (pháp nhân trưc tiếp mua lại Sabeco trong thương vụ năm ngoái, hiện sở hữu trên 50% doanh nghiệp này).
Bà Nga còn được biết đến là Tổng giám đốc của Công ty CP Đầu tư F&B Alliance Việt Nam. Tiền thân của F&B Alliance Việt Nam là Công ty CP Đầu tư Nga Sơn mà bà sở hữu 99,9% vốn.
Ứng cử viên thứ 3 là ông Michael Chye Hin Feh. Ông Feh sinh năm 1959 quốc tịch Singapore, có trình độ thạc sĩ kinh doanh ngành kế toán và tài chính. Hiện ông Michael Chye Hin Feh không nắm giữ cổ phiếu SAB nào.
Ứng viên thứ 4 là ông Pramoad Phornprapha sinh năm 1966 quốc tịch Thái Lan, có trình độ thạc sĩ quản lý chính sách công, thạc sĩ quản trị kinh doanh về marketing. Ông cũng không sở hữu cổ phiếu nào tại SAB.
Ứng viên thứ 5 là ông Nguyễn Tiến Dũng, sinh năm 1973, trình độ cử nhân kinh tế ngành tài chính, tín dụng. Hiện ông giữ vị trí Kế toán trưởng Sabeco
Ứng viên thứ 6 là ông Lương Thanh Hải, sinh năm 1964, có trình độ tiến sĩ quản trị kinh doanh.
Cuối cùng là ông Nguyễn Tiến Vỵ, sinh năm 1955, trình độ thạc sĩ ngành luật học. Ông Vỵ trước đó giữ vị trí Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương, nghỉ hưu cách đây 3 năm.
Điểm gì mới ở các ứng cử viên?
Tháng 4/2018 vừa qua, Đại hội đồng cổ đông bất thường của Sabeco đã tiến hành bầu bổ sung thành viên HĐQT Sabeco.
Danh sách ứng cử cho thấy có 3 người nước ngoài tham gia ứng cử gồm ông Koh Poh Tiong (sinh năm 1946), quốc tịch Singapore, hiện là Chủ tịch HĐQT Beer Group; ông Tan Tiang Hing (sinh năm 1964), quốc tịch Malaysia, hiện là CEO Công ty Dexcel International và từng làm cho Heneiken; và ông Sunyaluck Chaikajornwat (sinh năm 1977), quốc tịch Thái Lan, làm việc tại Weerawong Chinnavat & Partners Ltd.
Có thể thấy 2 thành viên HĐQT được bầu bổ sung cùng đợt với Chủ tịch Koh Poh Tiong là Tan Tiang Hing, Maicolm và Sunyaluck Chaikajornwat sẽ không tham gia ứng cử HĐQT Sabeco nhiệm kỳ mới.
Như vậy, hiện nay, sự góp mặt của 2 nhân tố mới là ông Michael Chye Hin Feh và ông Pramoad Phornprapha có mục đích thay thế ông Tan Tiang Hing Malcom và ông Sunyaluck Chaikajornwat vừa được bổ nhiệm trong ĐHCĐ bất thường trước đó.
Ngoài nội dung trên, Sabeco bổ sung tài liệu là tờ trình đại hội thông qua thay đổi cơ cấu quản trị, kiểm soát của công ty. Cụ thể là thay thế Ban kiểm soát bằng Ban kiểm toán nội bộ.