Theo báo cáo của SSI Research, Ngân hàng TMCP Á Châu (mã ACB-HNX) đã có những chia sẻ chi tiết với các chuyên viên phân tích CTCK về chiến lược Ngân hàng tương lai giai đoạn 2020-2024. Sau nửa đầu năm ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 150%, ACB dự kiến tỷ lệ cổ tức năm 2018 tỷ lệ 30% bằng cổ phiếu và 20% cho năm 2019-2020.
Mỗi năm đầu tư 30-35 triệu USD vào công nghệ, chuẩn bị cho chiến lược Ngân hàng tương lai giai đoạn 2020-2024
Chiến lược phát triển mới của ACB trong giai đoạn 2020-2024 được vạch ra sau khi HĐQT của nhà băng này bước vào nhiệm kỳ mới. Đây là giai đoạn đầu của chiến lược “Ngân hàng tương lai”, phân biệt với các giai đoạn trước đây của ngân hàng. Chia sẻ của lãnh đạo ACB cho biết, mục tiêu đầu tiên của chiến lược này là cải thiện hiệu suất mà cụ thể là giúp giảm nguồn nhân lực hơn, ít giấy tờ hơn và chất lượng dịch vụ tốt hơn.
Theo đó, ACB sẽ chuẩn hóa 34 quy trình về cung cấp dịch vụ và giải pháp cho khách hàng. Chiến lược này cũng đặt mục tiêu phát triển nhanh cơ sở khách hàng trong giai đoạn 2018-2019, nhất là nhóm khách hàng cá nhân mở rộng từ cơ sở khách hàng hiện tại và những doanh nghiệp mới được thành lập từ các doanh nghiệp gia đình. Dự kiến nhóm khách hàng mới sẽ cho doanh thu và lợi nhuận sau 2 năm.
ACB là ngân hàng tập trung vào khách hàng SME và bán lẻ. Đối với SME, ACB hướng đến cả một chuỗi cung ứng nên đặt mục tiêu thu hút nhà cung cấp và đơn vị phân phối của doanh nghiệp cốt lõi bằng chính sách hợp lý về lãi suất và phí. Từ đó, nhà băng này kỳ vọng có thể áp dụng các giải pháp dài hạn và đồng bộ trong việc cung cấp các gói sản phẩm. Cá nhân là nhân viên của SME cũng là khách hàng mục tiêu thông qua các khoản cho vay tiêu dùng, thẻ tín dụng. Đối với nhóm khách hàng cá nhân có thu nhập cao, ACB định hướng khai thác tăng huy động tiền gửi, thu nhập từ dịch vụ bán bảo hiểm, thẻ tín dụng…
Khi số lượng khách hàng mục tiêu tăng nhanh, ngân hàng số là giải pháp mà ACB đã chuẩn bị trong giai đoạn 2017-2018. Giai đoạn 2019-2022 sẽ có khối lượng công việc lớn cần hoàn thành. Trong chiến lược này, ACB đặt mục tiêu tăng các giao dịch trực tuyến cho các khoản thanh toán, cho vay và tiền gửi (một phần được thực hiện trong các ứng dụng di động hiện tại của ACB) từ mức 20-22% tổng giao dịch riêng lẻ hiện nay. Kèm với tự động hóa quy trình, mục tiêu của ACB hướng tới là tăng thu nhập phí và cải thiện tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) và tỷ lệ tiền gửi thanh toán (CASA).
Tại ĐHĐCĐ năm 2018, ACB đã được phê duyệt đầu tư 500 tỷ đồng cho các quỹ khoa học và công nghệ. ACB có ngân sách hàng năm từ 30-35 triệu USD mỗi năm để đầu tư vào công nghệ thông tin. Thông tin từ cuộc gặp mặt này cho biết ACB sẽ bắt đầu thay thế các máy ATM với CDM (gồm chức năng gửi tiền tự động) từ quý IV tới và dự kiến nâng số CDM được sử dụng vài năm tới lên 500 máy.
Cổ tức 2019-2020 phấn đấu đạt 20%
Trong giai đoạn 2019-2024, ngân hàng có kế hoạch tăng trưởng tín dụng chậm lại, bình quân hàng năm là 15%. Đến cuối quý II/2018, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân chiếm 56% tổng số tiền vay, trong khi tỷ lệ này tại SME và doanh nghiệp lớn lần lượt là 33% và 10%.
Tuy nhiên, ACB hiện mạnh về cho vay tiêu dùng có bảo đảm. Số dư cho vay không có bảo đảm khoảng 900 tỷ đồng, chỉ bằng 0,41% tổng dư nợ. Việc đưa vào hoạt động các CDM từ quý tới cũng được kỳ vọng giúp ACB mở rộng khoản vay không có bảo đảm cho khách hàng đại chúng kể từ năm 2019.
Báo cáo cập nhật của SSI Research cũng cho biết dư nợ cho vay đối với lĩnh vực mua hồ tiêu ở khu vực Tây Nguyên đã tăng nhanh trong quý II. Hầu hết các khoản vay được bảo đảm bằng tài sản thế chấp, và được ngân hàng đánh giá là có thể thu hồi được.
Với nhóm khách hàng SME, tỷ suất thu nhập lãi thuần hiện đang thấp hơn trung bình ngành (7,5%-8,5%), một phần do áp dụng chính sách cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp làm việc với ngân hàng đi vay chính hoặc chỉ vay tại ACB. Bù lại, ACB sẽ có NIM dài hạn cao hơn nhờ rủi ro tín dụng thấp hơn, đồng thời cũng có mức CASA và thu nhập phí cao hơn. Với khách hàng cá nhân, lãi suất cho vay bình quân khoảng 10%/năm.
Ngân hàng kỳ vọng NIM ổn định trong tương lai. Về nguồn vốn huy động, lãnh đạo ACB cũng cho biết có kế hoạch phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi trong nửa cuối năm. Một phần bởi đã có 3.100 tỷ giấy tờ có giá đến kỳ đáo hạn trong 6 tháng đầu năm.
Đối với hoạt động phi tín dụng, chia sẻ trong buổi gặp mặt này, lãnh đạo ACB cho biết mục tiêu tăng trưởng doanh thu phí năm 2018 là 28% và sẽ tiếp tục ở mức 28-30% năm 2019. Kỳ vọng ở giai đoạn 2020-2024, ACB lên kế hoạch thu nhập phí tăng 20% mỗi năm. Thu nhập từ phí đã đạt tốc độ tăng trưởng bình quân năm là 26,3% trong giai đoạn 2015-2017. Nguồn thu này cũng là động lực tăng trưởng chính của ACB trong nửa đầu năm với mức tăng 38% so với cùng kỳ.
Đối với hoạt động thu hồi nợ xấu đã xử lý, ACB dự kiến sẽ thu hồi thêm 500-600 tỷ đồng trong 2 quý cuối năm sau khi thu lại được 500 tỷ đồng từ nợ xấu đã xoá trong 6 tháng qua. Nợ thu hồi được từ nhóm 6 công ty liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên nửa đầu năm đạt khoảng một nửa số này. Nếu điều kiện thị trường tiếp tục thuận lợi, ngân hàng đặt mục tiêu hoàn thành việc thu hồi nợ nhóm 6 vào năm 2019-2020. Đồng thời, ACB có kế hoạch thu hàng tỷ đồng từ thu hồi nợ trái phiếu VAMC trong năm 2018.
Theo kế hoạch chia sẻ tại buổi gặp mặt, ACB dự kiến tỷ lệ cổ tức năm 2018 sẽ là 30% bằng cổ phiếu cho năm 2018. Tới năm 2019-2020, tỷ lệ cổ tức sẽ tiếp tục cao, ở mức 20% trong đó, 10-15% sẽ là cổ tức bằng cổ phiếu và 5-10% còn lại bằng tiền mặt.
Trong giai đoạn 2018-2020, ACB sẽ phát hành trái phiếu cấp 2 để cải thiện tỷ lệ CAR ngoài các biện pháp tăng vốn cấp 1 bằng cách trả cổ tức bằng cổ phiếu. Tỷ lệ CAR hiện tại theo Basel II hiện đạt trên 8%, và dự kiến sẽ cải thiện lên 8,6-8,7% vào cuối năm 2018 và gần 10% vào cuối năm 2019.