Bảo hiểm liên kết chung: Chưa thể “tốt nước sơn”
Bảo Việt Nhân thọ cho biết, đối với các hợp đồng bảo hiểm liên kết chung và hưu trí, lãi suất dự kiến áp dụng từ ngày 1/3/2018 vẫn giữ nguyên mức 6,25%/năm so với trước đó. Mức lãi suất này được sử dụng để tính giá trị kỹ thuật các hợp đồng hết hiệu lực từ ngày 1/3/2018 theo quy định tại điều khoản hợp đồng.
Năm 2017, Bảo Việt Nhân thọ là hãng bảo hiểm nội duy nhất công bố lãi suất bảo hiểm liên kết chung (6,5%) và bảo hiểm hưu trí (6,75%), được áp dụng để xác định số lãi đầu tư chính thức phân bổ cho các hợp đồng bảo hiểm liên kết chung và hưu trí từ 1/1 đến 31/12/2017.
Tại Prudential, mức lãi suất đầu tư cho các sản phẩm liên kết chung từ ngày 26/2 đến 25/5/2018 là 5-5,6%. Dai-ichi Life Việt Nam và Manulife có cùng lãi suất đầu tư quỹ liên kết chung là 6%/năm (áp dụng từ 1/3/2018). MB Ageas Life áp dụng mức 6%/năm từ tháng 1/2018 cho lãi suất quỹ liên kết chung. Với Chubb Life, lãi suất của sản phẩm bảo hiểm liên kết chung dao động từ 5,7-6,05%/năm. Các DNBH nhân thọ khác cũng có mức lãi suất quanh ngưỡng 6%/năm.
Tính đến thời điểm này, hầu hết trong tổng số 18 DNBH nhân thọ đều triển khai sản phẩm liên kết chung, kể cả những cái tên mới gia nhập thị trường như MB Ageas Life. Trong đó, Bảo Việt Nhân thọ, Prudential, Manulife, Chubb, Dai-ichi, AIA, Hanwha… là các hãng đạt tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm liên kết chung lớn trên tổng doanh thu phí khai thác mới.
Tuy nhiên, bảo hiểm liên kết đầu tư mới là nghiệp vụ chính, mang lại doanh thu phí khai thác mới cao. Hiện chưa có con số chính thức, nhưng theo số liệu từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2017, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu phí khai thác mới. Còn thống kê năm 2016 cho thấy, doanh thu phí khai thác mới của nghiệp vụ này ước đạt 7.604 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 50% tổng doanh thu phí khai thác mới.
Bảo hiểm liên kết đầu tư: Vẫn là trụ cột
Theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, quỹ liên kết chung của các DNBH nhân thọ hiện vẫn tập trung phân bổ tài sản đầu tư vào danh mục trái phiếu có kỳ hạn trung và dài.
Tại Prudential, tính đến cuối năm 2017, tỷ trọng phân bổ tài sản đầu tư vào danh mục trái phiếu chiếm tới 98,17% tổng giá trị tài sản, trong khi tỷ trọng phân bổ tài sản vào danh mục tiền và các khoản tương đương tiền chỉ là 1,83%.
“Trong năm qua, nhờ danh mục đầu tư tập trung chủ yếu vào trái phiếu ở các kỳ hạn từ 5-30 năm, nên kết quả đầu tư là khá tích cực, đạt tỷ suất lợi nhuận 7,55% trong năm 2017 và 8,77% bình quân trong 5 năm gần nhất (tính theo phương pháp nguyên giá)”, nguồn tin từ Prudential cho hay.
Theo giới chuyên gia, mức lãi suất từ 5-6,75%/năm trong 2018 không phải là con số hấp dẫn nếu so với các năm trước đây. Trong khi với kỳ hạn dài (từ 10 năm trở lên), thậm chí lãi suất thực hiện còn cao hơn lãi suất cam kết. Năm 2018, lãi suất trái phiếu có thể giảm nhẹ trong những tháng đầu năm, nhưng sẽ ổn định, thậm chí tăng lên sau đó.
“Trong năm nay, tuy lợi suất đầu tư được dự báo không thực sự cao, nhưng trái phiếu vẫn là kênh đầu tư an toàn. Do đó, nếu có chiến lược đầu tư hợp lý, nhà đầu tư sẽ có được kết quả tốt”, một chuyên gia nhìn nhận.
Trong khi đó, nhiều DNBH cho biết sẽ căn cứ vào điều kiện thị trường cũng như các yếu tố mới để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đơn cử, tại Manulife Việt Nam, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất giảm, hãng này đã đầu tư vào các trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của tổ chức quốc tế, nên ghi nhận mức lợi suất cao hơn so với trái phiếu chính phủ.
“Mặc dù lãi suất trên thị trường tiền tệ thời gian qua chỉ ở mức thấp, nhưng với chiến lược đầu tư tập trung vào các tài sản có kỳ hạn dài, chúng tôi vẫn đảm bảo mức chia lãi ổn định cho khách hàng ”, nguồn tin từ Manulife Việt Nam cho hay.