Là doanh nghiệp lớn trong ngành dầu khí, đảm nhiệm hầu hết các dịch vụ khoan tại các mỏ dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhưng hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD) không tăng tương ứng. 6 tháng đầu năm 2018, PVD đã lỗ hơn 300 tỷ đồng. PVD lý giải lỗ do tăng chi phí bảo dưỡng, hoạt động dưới giá vốn và biến động tăng tỷ giá.
Ông Đỗ Văn Khạnh – Chủ tịch HĐQT PVD cho rằng, doanh thu của PVD được cấu thành từ đơn giá nhân với số ngày hoạt động và số lượng giàn khoan hoạt động. Do dịch vụ khoan là nền tảng kinh doanh cốt lõi của PVD nên chỉ cần các yếu tố trên suy giảm sẽ tác động tiêu cực đến doanh thu và lợi nhuận.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào hoạt động cốt lõi của PVD là cung cấp giàn khoan thì việc lỗ lại nằm ở nguyên nhân khác. PVD là công ty chuyên cung cấp dịch vụ khoan nhưng giá dầu quá thấp khiến các nhà thầu dầu khí thắt chặt hầu bao, tạm dừng các đợt khoan thăm dò khiến nhu cầu về thuê giàn thấp. Tại khu vực Đông Nam Á, có đến hơn 50% số giàn khoan thiếu việc làm.
Đã vậy, một lượng lớn giàn khoan đang đóng, chờ đưa vào vận hành, tạo ra lượng cung dư thừa trên thị trường. Các yếu tố này khiến giá thuê giàn khoan ngày càng sụt giảm. Cách nay vài năm, PVD từng cho thuê giàn khoan với giá hơn 150.000 – 200.000 USD/ngày nhưng nay chỉ còn khoảng 55.000 – 60.000 USD/ngày.
Tổng công ty CP Dịch vụ – Kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS) dù không thua lỗ như PVD nhưng thời gian qua, lợi nhuận đã giảm mạnh. Năm 2014, Công ty có lãi ròng 1.800 tỷ đồng nhưng đến năm 2017, khoản lãi chỉ còn 800 tỷ đồng. Trong báo cáo tài chính quý II/2018, PVS có khoản lợi nhuận sau thuế là 68 tỷ đồng, nếu so với quý cùng kỳ 2017 là 317 tỷ đồng, có thể thấy đây là một sự chênh lệch khá lớn.
Theo chia sẻ của đại diện PVS, trong năm qua, hầu hết các chương trình phát triển mỏ dầu khí biển trong và ngoài nước tiếp tục giãn, dừng triển khai dẫn đến khối lượng công việc giảm sút. Dịch vụ dầu khí biển (dịch vụ chính của PVS) bị cạnh tranh khốc liệt, giảm rất sâu về cả khối lượng công việc lẫn giá trị dịch vụ.
Tương tự, Công ty CP Kết cấu kim loại và lắp máy dầu khí (PXS) cũng có kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Quý II/2018, PXS lỗ 26,5 tỷ đồng, đưa lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm 2018 lên 46,6 tỷ đồng, và đây cũng là quý lỗ thứ ba liên tiếp của PXS.
Ngược lại với khối sản xuất, các doanh nghiệp phân phối dầu khí lại có kết quả kinh doanh rất tốt. Tổng công ty CP Khí Việt Nam (GAS) là một điển hình. Là đơn vị thu mua khí tại các mỏ và phân phối cho các doanh nghiệp khác trên thị trường, biến động giá dầu không ảnh hưởng đến hoạt động của GAS. Năm 2017, lợi nhuận sau thuế của GAS đạt gần 10.000 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, lãi ròng đạt gần 6.000 tỷ đồng. Nguyên nhân là do giá dầu bình quân đạt mốc 70 USD/thùng, giúp GAS có kết quả kinh doanh rất lạc quan.
Trong khi đó, dù lợi nhuận của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) có ảnh hưởng đôi chút vì giá dầu giảm nhưng mỗi năm PLX vẫn kiếm được hàng ngàn tỷ đồng. Bệ đỡ cho điều này là PLX là một “ông lớn” trên thị trường với hệ thống bán lẻ xăng dầu trải dài trên cả nước.
Trong mô hình kinh doanh, PLX đã thực hiện một chuỗi giá trị khép kín từ nhập khẩu hàng, hệ thống kho hàng tiếp nhận, vận chuyển cho đến hệ thống bán lẻ tận tay người tiêu dùng. Mặt khác, Nhà nước gần như giữ lại quyền điều hành giá và cho doanh nghiệp một mức lợi nhuận cố định không bị chi phối bởi giá nguyên liệu đầu vào nên PLX không có rủi ro.
Mặc dù các doanh nghiệp trong ngành có “người khóc, kẻ cười” nhưng các dự án khai thác dầu khí vẫn liên tục được triển khai. Chẳng hạn, mới đây Tổ hợp hóa dầu Miền Nam có tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD tại Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu) và dự án Sao Vàng Đại Nguyệt (gồm 2 mỏ Sao Vàng và Đại Nguyệt) đã khởi công.
Các cổ đông của GAS đã thông qua dự án đầu tư xây dựng công trình đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 với vốn đầu tư 6.483 tỷ đồng, dự kiến thời gian hoàn thành vào quý III/2020.